Mỹ đang dự kiến thực hiện nhiều thỏa thuận tầm cỡ như AUKUS để có thể kiềm chế được ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Trải qua hàng thập kỷ, công nghệ tàu ngầm của Mỹ vẫn là một thứ bất khả xâm phạm, ngay cả đối với các đồng minh thân cận nhất. Hiện nay chỉ có duy nhất Anh quốc được tiếp cận các kỹ thuật động cơ đẩy hạt nhân của Mỹ vào năm 1958. Do đó, thỏa thuận AUKUS được ký kết mới đây chính là cột mốc lịch sử mở ra mô hình hợp tác an ninh mới dường như phù hợp hơn với vị thế của Mỹ tại thời điểm hiện nay.
Mỹ không còn đủ khả năng duy trì vị thế độc tôn về quân sự và kinh tế như trong quá khứ, đó là một thực tế mà nhiều chuyên gia thừa nhận. Bất chấp mong muốn của các chính trị gia Mỹ về việc "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", Washington đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong và ngoài nước.
>>AUKUS và nỗi sợ của Trung Quốc
Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như là không thể ngăn cản. Sức mạnh về kinh tế, công nghệ hay quân sự của Bắc Kinh vẫn gia tăng bất chấp các nỗ lực kiềm chế của Mỹ.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ ngoạn mục, hiện vượt xa Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại. Hải quân Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân trong 15 năm qua và hiện là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về quy mô. Theo một thống kê gần đây về các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn, Trung Quốc dẫn đầu với 37/44 công nghệ quân sự và dân sự quan trọng, nhiều gấp 5 lần so với vị trí thứ 2.
Với bối cảnh đó, các chuyên gia tin rằng chỉ bằng cách chia sẻ và hợp tác trong các bí mật công nghệ quốc gia như AUKUS, Mỹ mới có thể tập hợp được đủ sức mạnh để cùng hành động.
“AUKUS là một mô hình phù hợp nơi các đồng minh có thể hành động cùng nhau. Bởi nó liên quan đến sự đánh đổi giữa chủ quyền và năng lực”, tờ Economist nhận định.
Theo đó, Mỹ sẽ phải chia sẻ bí mật “thiêng liêng” nhất, nhưng đổi lại là khoản đầu tư khổng lồ của Úc cho các xưởng đóng tàu tân tiến, hay được quyền tiếp cận thêm nhiều bến cảng ở Thái Bình Dương, đồng thời có thêm một đồng minh có vũ khí tân tiến hơn ở châu Á. Về phía Úc, Canbera có công nghệ tàu ngầm hiện đại nhất thế giới và sự cam kết an ninh mạnh mẽ hơn từ Mỹ và Anh. Chưa kể, cả ba quốc gia đều được hưởng lợi về kinh tế khi tập hợp được các nguồn lực thế mạnh của nhau.
AUKUS có thể sẽ là hình mẫu hợp tác trong tương lai, với trụ cột là sự gia tăng lòng tin, chia sẻ lợi ích để cùng thắng. Mỹ có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong cách làm này, với mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các quốc gia đi đầu về kĩ thuật và khoa học công nghệ trên thế giới. Và ý tưởng này đã bắt đầu được nhen nhóm từ vài năm trở lại đây.
>>Bộ ba AUKUS đi "nước cờ" mới, Trung Quốc phản ứng thế nào?
Năm 2021, Nhật Bản từng đề xuất tham gia một thỏa thuận tương tự AUKUS với Mỹ, Anh, Úc trong lĩnh vực không gian, phát triển hệ thống tác chiến dưới nước không người lái và tên lửa tiên tiến.
Chuyên gia Henry Sokolski, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Chính sách Phi Hạt nhân (NPEC) ở Washington cho rằng, Mỹ có thể cân nhắc một thỏa thuận tương tự giữa Mỹ - Pháp – Hàn Quốc (ROKFUS) để xây dựng một hệ thống giám sát không gian tân tiến. Hợp tác này có thể tận dụng hệ thống vệ tinh viễn thám ở châu Âu và châu Á, tạo nên một mạng lưới vệ tinh đồng nhất trong khi tối ưu chi phí để theo dõi các vệ tinh quân sự và dân sự của Trung Quốc.
Đức cũng sẽ là một đối tác tiềm năng, với vai trò đầu tàu trong EU. Ý tưởng về một thỏa thuận Mỹ - Đức – Nhật Bản (DEJPUS) đã xuất hiện khi bàn về hợp tác máy tính và thông tin liên lạc tiên tiến nhằm giải mã, bảo mật và mở ra các hệ thống internet khép kín trước nguy cơ an ninh mạng của Trung Quốc hay Nga. Theo các chuyên gia, một thỏa thuận như vậy có thể giúp Mỹ dành lại thị trường 5G của châu Âu, hay vượt qua chế độ tường lửa thông tin tân tiến của Bắc Kinh.
Dù vậy, để đi đến những thỏa thuận khác tầm cỡ AUKUS, Mỹ sẽ phải đánh đổi nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị - một ý tưởng sẽ khó vượt qua được một Quốc hội Mỹ với nhiều chia rẽ. Dù vậy, theo các nhà quan sát, chỉ bằng cách huy động sức mạnh tổng hợp từ các đồng minh, Mỹ mới có thể thực sự chặn được bước tiến của Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc số một thế giới.
Có thể bạn quan tâm