Bài học của ngành mỹ phẩm Hàn Quốc cho thấy cách ứng phó với biến động của thị trường do cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gây ra.
Ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong hai thập kỷ qua. Được thúc đẩy bởi làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan rộng toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc tăng mạnh, kéo theo sự bùng nổ xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng leo thang, ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc buộc phải thích nghi, mở rộng sang các thị trường mới và điều chỉnh chiến lược phát triển.
Trong 20 năm qua, quan hệ Trung Quốc - Mỹ đã trải qua nhiều biến động lớn. Vào đầu những năm 2000, quan hệ hai nước chủ yếu mang tính hợp tác, thể hiện qua việc Hoa Kỳ cấp quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cho Trung Quốc năm 2000 và ủng hộ nước này gia nhập WTO năm 2001.
Tuy nhiên, khi kinh tế Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ vào năm 2008 và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, cục diện đã bắt đầu thay đổi. Khi tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc gia tăng, sự cạnh tranh giữa hai nước cũng trở nên gay gắt hơn.
Giữa bối cảnh phức tạp này, lĩnh vực làm đẹp của Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng chưa từng có, trong đó Trung Quốc nổi lên là thị trường quan trọng nhất đối với mỹ phẩm Hàn Quốc. Năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc vượt nhập khẩu, phần lớn nhờ vào sự mở rộng nhanh chóng của thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lee Seongeun Lee, thành viên không thường trú tại Pacific Forum, tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự gần gũi về văn hóa và địa lý giữa hai quốc gia, cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng phim và ca nhạc Hàn Quốc khi đã tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng đến xu hướng làm đẹp và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu mỹ phẩm Hàn sang thị trường này trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra, ngành công nghiệp mỹ phẩm nhanh chóng gặp phải những thách thức địa chính trị. Cú sốc đầu tiên đến từ tranh cãi liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Năm 2016, Hàn Quốc và Hoa Kỳ quyết định triển khai THAAD nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trung Quốc xem đây là mối đe dọa đến an ninh chiến lược của mình và đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt phi chính thức đối với hàng hóa Hàn Quốc, bao gồm cả mỹ phẩm. Sau đó, đại dịch COVID-19 càng làm gián đoạn thương mại, khi các lệnh phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt cản trở hoạt động xuất khẩu.
Hậu đại dịch, đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, kết hợp với làn sóng tiêu dùng yêu nước gia tăng, đã khiến thị trường này trở nên ngày càng khó tiếp cận với các thương hiệu nước ngoài.
Ông Lee cho biết, để đối phó với những khó khăn này, ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đã chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu. Các thương hiệu làm đẹp, đặc biệt là các thương hiệu độc lập và quy mô nhỏ, bắt đầu đa dạng hóa thị trường, tập trung nhiều hơn vào Hoa Kỳ và các khu vực khác.
Trong khi các công ty lớn ban đầu còn chậm thích ứng, các thương hiệu nhỏ đã tận dụng thế mạnh về giá cả hợp lý, đổi mới sản phẩm và chiến lược tiếp thị mạng xã hội linh hoạt để thu hút người tiêu dùng Mỹ. Nhờ đó, Mỹ đã nhanh chóng thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu chủ lực của các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc.
Xuất khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2021, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đã giảm mạnh xuống còn 24,5% vào năm 2024. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang Hoa Kỳ tăng từ 9% năm 2021 lên 18,6% năm 2024.
Đồng thời, xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang các thị trường khác như Nhật Bản, Việt Nam và UAE cũng đang tăng nhanh. Đáng chú ý, các sản phẩm làm đẹp thương hiệu nội địa Hàn ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản. Hàn Quốc đã giữ vững vị trí là nước xuất khẩu mỹ phẩm lớn nhất sang Nhật trong 4 năm liên tiếp, với kim ngạch vượt mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2024.
Song song đó, các công ty gia công thiết kế gốc của Hàn Quốc cũng gặt hái thành công khi tận dụng được cả làn sóng phát triển của các thương hiệu độc lập trong nước lẫn mối quan hệ hợp tác lâu dài với các hãng mỹ phẩm Trung Quốc.
Những doanh nghiệp dẫn đầu như Cosmax và Kolmar Korea, nổi tiếng với khả năng phát triển sản phẩm dựa trên ý tưởng thương hiệu chỉ trong 1–2 tháng, đã duy trì chuỗi cung ứng linh hoạt, giúp các thương hiệu nhỏ tung ra sản phẩm hợp thời, giá cả cạnh tranh.
"Hàn Quốc đã khéo léo cân bằng giữa cam kết an ninh với Hoa Kỳ và mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, một yếu tố then chốt cho sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp như mỹ phẩm, vốn từng hưởng lợi lớn từ nhu cầu mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc", ông Lee nhận định.
Mặc dù căng thẳng Trung – Mỹ ngày càng phức tạp hóa chiến lược này, nhưng hướng đi đa dạng hóa thị trường và mô hình kinh doanh linh hoạt của các doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn cho thấy ngay cả những lĩnh vực phụ thuộc sâu vào Trung Quốc vẫn có thể thích nghi với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi.
Nhìn về tương lai, khả năng lĩnh vực mỹ phẩm Hàn Quốc có duy trì đà tăng trưởng hay không sẽ phụ thuộc vào việc ngành này có thể tiếp tục phát huy tính linh hoạt và sức chống chịu đã thể hiện trong suốt thập kỷ qua.