Giới chuyên gia cho rằng, để cân bằng thương mại với Trung Quốc, thì Mỹ cần thỏa thuận dứt khoát với Trung Quốc, đồng thời nhanh chóng thống nhất thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ bỏ lỡ cơ hội
Một trong những điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn canh cánh trong lòng, đó là ông muốn nhanh chóng cắt giảm mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Điều này phù hợp với các khuyến nghị của G-20 về việc đảm bảo một nền kinh tế thế giới cân bằng và ổn định, và cũng sẽ phù hợp với cam kết của Trung Quốc về “đôi bên cùng có lợi”.
Trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh là người có thể khắc phục vấn đề thương mại một cách đơn giản và nhanh chóng như khi ông mang đến một thay đổi ngoạn mục trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các nhà đàm phán thương mại của ông Tập Cận Bình hành động theo các mệnh lệnh trực tiếp của ông, và sẽ không có gì được thực hiện cho đến khi nhận được sự đồng ý của ông.
Nếu Tổng thống Trump đưa ra một thỏa thuận mà ông Tập Cận Binh không thể từ chối, đồng thời tiếp tục ủng hộ toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương và “đôi bên cùng có lợi”, thì các đội ngũ đàm phán sẽ chỉ phải quyết định làm thế nào để tăng doanh thu xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc và làm thế nào để cắt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Họ sẽ chỉ phải làm việc với các con số cụ thể để thực hiện thỏa thuận của các nhà lãnh đạo của họ.
Thật không may, ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội để làm điều đó. Bây giờ ông Trump đã đặt nước Mỹ vào con đường đàm phán không bao giờ chấm dứt, có thể dẫn đến một cuộc đối đầu nghiêm trọng và rất nguy hiểm với Trung Quốc. Tổng thống Trump có thể đã nhân thấy những khó khăn ngày càng tăng trong mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc, người đã thành công trong việc làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở nhiều khu vực châu Á và xa hơn nữa.
Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng
Ngay khi nhóm thương mại Mỹ chuẩn bị rời Bắc Kinh, Chủ tịch Tập đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo một số nguồn tin, ông Tập đã đảm bảo với Tổng thống Moon Jae - in về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho hòa bình và hợp tác, đồng thời thông báo mình "sẵn sàng bắt đầu lại với Tokyo".
Theo đó, ông Abe dự kiến sẽ đến Trung Quốc trong năm nay để kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật, và Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ tới thăm Nhật Bản trong năm tới.
Trong khi Mỹ tuyên bố rằng "sẽ có hậu quả" đối với việc mở rộng các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, thì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ "nảy nở như một bông hoa lớn và đẹp", đồng thời cảm ơn Trung Quốc vì đã giúp đỡ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của mình.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, khi việc nâng cấp cơ sở hạ tầng có sự giúp đỡ của các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính của Trung Quốc để xây dựng các nhà máy điện, đường xá, cầu và đường sắt cao tốc.
Đây là một số ví dụ nổi bật nhất về mối quan hệ sâu rộng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Danh sách này còn có thêm Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Thật dễ hiểu lý do tại sao tất cả các nước này công khai, hoặc ngầm, ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.
Cần thỏa thuận thương mại Mỹ- EU
Thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc là một vấn đề chính trị cấp bách. Tổng thống Trump đáng lẽ phải trực tiếp giải quyết vấn đề đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thiết lập nguyên tắc và lịch trình cho việc tái cân bằng cán cân thương mại. Thế nhưng, ông lại cho phép vấn đề này rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của việc bới lông tìm vết.
Theo các chuyên gia, để cân bằng lại vị thế của Mỹ trong cuộc chơi này cần thực hiện ngay lập tức hai điều. Một là, tổ chức cuộc họp khẩn cấp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung để thống nhất đưa vấn đề thương mại cân bằng trở lại.
Hai là, Mỹ cần thực hiện càng nhanh càng tốt một hiệp định thương mại với EU. Đức cho biết họ sẵn sàng và mong muốn làm điều này để đảm bảo tính ổn định trong mối quan hệ thương mại của EU với Mỹ.
Mỹ và EU cần nhau để bảo vệ hệ thống thương mại quốc tế tự do và công bằng mà họ đã cùng nhau xây dựng. Hệ thống đó là nền tảng của nền kinh tế thị trường tự do dựa trên dân chủ, luật pháp và tôn trọng nhân quyền.