Mỹ điều tra chống bán phá giá đệm mút: Doanh nghiệp Việt né phòng vệ thương mại bằng cách nào?

Diendandoanhnghiep.vn Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định với việc gia nhập vào hàng loạt các FTA thế hệ mới doanh nghiệp Việt khó có thể tránh được các vụ kiện chống bán phá giá.

Cục Phòng vệ thương mại vừa cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi bản câu hỏi về lượng và giá trị đến một số nhà xuất khẩu đệm mút của Việt Nam nhằm xem xét lựa chọn bị đơn bắt buộc, thời hạn trả lời bản câu hỏi này là ngày 6/5/2020.

Sản phẩm bị điều tra là mặt hàng đệm mút (mattress) có mã HTS (mã HS áp dụng tại Mỹ) gồm: 9404.21.0010, 9404.21.0013, 9404.29.1005, 9404.29.1013, 9404.29.9085 và 9404.29.9087 (mã HS trên chỉ mang tính tham khảo, DOC có thể điều chỉnh mã HS khi thấy cần thiết).

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

DOC có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong quá trình điều tra. Ảnh minh họa: IT

DOC có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong quá trình điều tra. Ảnh minh họa: IT


-Luật sư đánh giá như thế nào về quyết định chống bán phá giá này của Mỹ?

Hiện nay các vụ kiện thương mại đang xảy ra ngày càng nhiều và phổ biến khi càng ngày càng nhiều nước tham gia vào các FTA thế hệ mới. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức pháp lý để đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo số liệu do phía Hoa Kỳ cung cấp cho biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trong diện điều tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 328,9 triệu USD, tăng 513% so với năm 2018 (đạt 53,6 triệu USD).

Trong tháng 1 năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 56,9 triệu USD các loại mặt hàng này sang Hoa Kỳ, tăng 522% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 9,1 triệu USD). Con số này đang ngày càng tăng mạnh, chưa kể đến các sản phẩm nhập khẩu khác từ các nước Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Serbia, …

Điều này đang làm đe doạ đến thị trường sản xuất nội địa của Mỹ, khiến cho rất nhiều doanh nghiệp nước này đâm đơn kiện.

Trước tình hình đó, Mỹ đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá, điều này là dễ hiểu khi các hiệp hội và các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường sử dụng dịch vụ vận động hành lang với các nghị sỹ và các cơ quan hành pháp thương mại để tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tôi nhấn mạnh, đây mới là giai đoạn điều tra, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực hợp tác với các cơ quan hữu quan, sử dụng tư vấn và có các tài liệu chứng minh, nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, rất có thể các cơ quan chấp pháp Hoa Kỳ có thể áp dụng mức thuế chống bàn phá giá thấp hoặc không áp dụng.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

-Quyết định này sẽ tác động như thế nào tới thị trường đệm mút, thưa luật sư?

Thông thường các vụ kiện chống bán phá giá thường gây bất lợi và thiệt hại đáng kể cho thị trường của sản phẩm đang bị điều tra.

Thứ nhất, trong quá trình điều tra có một thực tế là ngay từ khi biết tin một mặt hàng nhập khẩu bị điều tra chống bán phá giá từ Việt Nam (thậm chí ngay từ khi việc điều tra mới chỉ là nguy cơ), các nhà nhập khẩu nước đó đã “dè chừng” và bắt đầu tìm kiếm nguồn cung mới từ các nước khác do lo ngại một vụ kiện chống bán phá giá sẽ dẫn tới những mức thuế bổ sung cao khiến giá hàng hóa từ Việt Nam bị đội lên. Điều này khiến cho lượng đơn hàng đệm từ Việt Nam sẽ giảm sút đáng kể, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, để theo kiện, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn như là phí thuê Luật sư, trả lời bảng câu hỏi điều tra, tham gia các phiên điều trần,… Chi phí này là vô cùng lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng kham được, nhưng nếu không theo vụ kiện thì doanh nghiệp có thể bị phạt vì không hợp tác và thường sẽ bị đánh thuế rất cao, khiến cho doanh nghiệp bị mất hoàn toàn thị trường liên quan. Việc này làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất đệm sẽ vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thứ ba, sau khi có quyết định áp thuế chính thức, trên thực tế Việt Nam bị xếp vào diện bị áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường nên mức thuế chống bán phá giá cuối cùng được xác định cho doanh nghiệp Việt Nam thường là rất cao so với thực tế. Vì vậy khi xuất khẩu đệm vào thị trường Mỹ, giá bán có thể bị đội lên rất cao, giảm sức cạnh tranh trong thị trường nội địa.

Tóm lại, sau quyết định lần này của Mỹ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm lý sẽ có những bất lợi và thiệt hại xảy ra, doanh số, lượng hàng xuất khẩu sẽ giảm đáng kể.

-Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra?

Doanh nghiệp Việt Nam có lẽ phải chấp nhận thực tế rằng, kiện chống bán phá giá nói riêng hay kiện phòng vệ thương mại nói chung, bao gồm cả kiện chống trợ cấp là một loại rào cản phổ biến trong thương mại quốc tế, mà đặc biệt với Mỹ.

Khi bị kiện chống bán phá giá, thay vì buông xuôi và lảng tránh nó, các doanh nghiệp cần có thái độ ứng xử tích cực. Kinh nghiệm từ việc cùng doanh nghiệp tham gia các vụ kiện chống bán phá giá trước đây cho thấy, nếu doanh nghiệp chủ động tham gia vào vụ kiện bằng cách tham vấn các cơ quan quản lý, chủ động đứng đơn kháng kiện,… thì có thể hạn chế những thiệt hại, thậm chí là ngăn chặn được vụ kiện.

Quan trọng nhất là doanh nghiệp, hiệp hội liên quan phải tập hợp lại, thảo luận cách thức kháng kiện phù hợp tùy mặt hàng, tùy triển vọng thương mại tại từng thị trường mà có cách thức kháng kiện khác nhau, có thể là chỉ tham gia vừa phải hoặc phải tham gia tích cực tối đa. Khi đã quyết định kháng kiện thì cần phải coi đây là một phần công việc của hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng cần có các luật sư, chuyên gia tư vấn cụ thể cho doanh nghiệp cũng như cho cả ngành.

-Trong bối cảnh xu hướng phòng vệ thương mại có tín hiệu gia tăng, Luật sư có khuyến nghị như thế nào tới doanh nghiệp để hạn chế tình trạng này?

Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bán phá giá. Điểm đầu tiên là ngành xuất khẩu đang mang tính tập trung quá lớn về mặt thị trường, như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nền sản xuất dễ bị động khi tình hình xuất khẩu thay đổi.

Nếu có thể thì cần hạn chế xuất ở một số lượng nhất định sẽ dễ dàng tránh được những vụ kiện bán phá giá.

Vì nếu một mặt hàng nhập khẩu chiếm thị phần vượt qua mức cho phép của thị trường nhập khẩu và có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong nước thì mới bị khởi kiện.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức chủ động các phương thức phòng chống các vụ kiện thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, … để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, để đối phó với các vụ kiện bán phá giá, doanh nghiệp Việt Nam, hiệp hội và các cơ quan liên quan cần tìm hiểu lý do vì sao hàng xuất khẩu của Việt Nam lại bị kiện. Đồng thời, cần có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra.

-Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mỹ điều tra chống bán phá giá đệm mút: Doanh nghiệp Việt né phòng vệ thương mại bằng cách nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711707112 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711707112 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10