Nam Thái Bình Dương đang chứng kiến cuộc đua song mã Trung Quốc - Mỹ, với tốc độ quân sự hóa nhanh chóng. Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai đối với khu vực này.
>>NATO sẽ "lấn sân" sang châu Á - Thái Bình Dương?
Nam Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng vì sự hiện diện của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Với Mỹ, khu vực này có thể trở thành vùng đệm đặt các căn cứ quân sự, hậu cần để ứng phó với những tình huống xảy ra tại châu Á. Còn với Trung Quốc, khu vực Nam Thái Bình Dương cho phép họ mở rộng không gian hoạt động trên biển, giải nguy khả năng bị bao vây từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống Australia, cản đường Washington “xoay trục về châu Á”.
Bắc Kinh đã thiết lập cơ chế đối thoại lãnh đạo chính trị với các đảo quốc Thái Bình Dương. Tại đối thoại lần thứ 2 ngày 17/4/2022, ông Lưu Kiến Siêu, người đứng đầu Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc gọi các quốc gia trong khu vực là “những người anh em”.
Trước đây, Ngoại trưởng Vương Nghị từng công du đến 8 quốc đảo Nam Thái Bình Dương, ký kết tổng cộng 50 thỏa thuận hợp tác đủ các lĩnh vực. Ðơn cử, hiệp ước an ninh mà Trung Quốc ký với Quần đảo Solomon cho phép tàu thuyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại nơi đây. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon.
Không chỉ là kinh tế và an ninh quốc phòng, Trung Quốc tài trợ thành lập hệ thống viện Khổng Tử với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, giảng viên và tình nguyện viên nói tiếng Hoa trên khắp các hòn đảo.
Việc phổ biến tư tưởng Khổng giáo cho thấy Bắc Kinh tính toán rất xa cho tương lai, trong các hình thức xâm nhập - tư tưởng văn hóa là hình thức có khả năng thấm mềm mại nhất và khó tẩy xóa nhất, ảnh hưởng đến tư duy, hành động đến hàng trăm năm sau đó.
Có thể nói, đến thời điểm này, Bắc Kinh đã định hình xong cơ chế hợp tác với Nam Thái Bình Dương, nhưng chưa thể “một mình một ngựa” tại khu vực này.
>>Mỹ “ngáng chân” Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương
Với sự hỗ trợ đắc lực từ Australia và New Zealand, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Nam Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất là thỏa thuận lịch sử AUKUS cung cấp 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho hải quân Australia, môt bước tiến mà Trung Quốc gọi là “con đường sai lầm và nguy hiểm”.
Không chịu kém cạnh, Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái tại Washington có thể xem như sự xác nhận của Chính quyền Biden về tầm quan trọng và nhu cầu nâng cấp quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Ví dụ sống động nhất cho màn chạy đua giữa hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Papua New Guinea ký thỏa thuận quốc phòng, tài trợ đảo quốc 45 triệu USD hiện đại hóa quân đội; cho phép tàu chiến Mỹ ra vào cảng, tuần tiễu quanh khu vực.
Ngay trước thềm Thượng đỉnh NATO vừa qua, Bắc Kinh cũng đạt được cam kết nâng cấp cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng có ý nghĩa bước ngoặt với Solomon, trên cơ sở nâng cấp thỏa thuận khung đã ký hồi năm ngoái. Sự kiện này diễn ra tại Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng quốc đảo này.
Các chính phủ vùng Nam Thái Bình Dương đang tranh thủ được nhiều lợi ích, nhưng tình trạng “quân sự hóa” sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành chiến địa khốc liệt khi xung đột vũ trang xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (Kỳ I): Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc
12:00, 09/07/2023
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (kỳ II): Tác động đến ASEAN
12:00, 15/07/2023
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (Kỳ III): Thách thức và triển vọng
12:00, 16/07/2023
NATO sẽ "lấn sân" sang châu Á - Thái Bình Dương?
04:30, 14/07/2023