Mỹ hối thúc doanh nghiệp rời Trung Quốc

Cẩm Anh 27/08/2019 11:00

Sau khi ra những đòn tấn công liên tiếp, giờ đây các quan chức của chính phủ Mỹ đang ra sức ủng hộ lập trường của Tổng thống Trump trong việc kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó khăn khi rời bỏ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bên trong xưởng sản xuất của General Motor

Các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó khăn khi rời bỏ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bên trong xưởng sản xuất của General Motor và đối tác tại Trung Quốc. Ảnh: NY Times.

Vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã công khai chỉ trích Bắc Kinh đang thực hiện những hành vi thương mại không công bằng. Ông lập luận rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay là con đường một chiều. 

"Doanh nghiệp Trung Quốc được tự do bước vào thị trường Mỹ, nhận đầu tư từ Mỹ, làm việc với các công ty của Mỹ nhưng Mỹ không có bất cứ điều gì từ phía Trung Quốc. Đó là lý do giải thích tại sao Mỹ và Trung Quốc lại ở trong tình cảnh hiện nay. Nếu như Trung Quốc đồng ý về một mối quan hệ công bằng và cân bằng, Mỹ sẽ ký vào thỏa thuận thương mại ngay lập tức", ông Mnuchin nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai vũ khí thương chiến Mỹ - Trung: "Thời gian và thuế quan"

    06:30, 26/08/2019

  • Trung Quốc bất ngờ tung đòn thuế mới nhằm vào Mỹ

    01:04, 24/08/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc”

    12:09, 25/08/2019

  • Trump phản đòn, áp thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

    11:01, 24/08/2019

Cùng với đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, các công ty Mỹ nên nghe theo lời kêu gọi rời khỏi Trung Quốc của Tổng thống Trump.

"Hãy trở về nước Mỹ, chúng ta có hệ thống thuế tốt nhất, hệ thống luật pháp tốt nhất, công nghệ tốt nhất, là nơi mà các bạn có thể dễ dàng kiếm tiền. Hãy về nhà. Đó là thông điệp của Tổng thống", Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Trump đăng tweet ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ phải ngay lập tức tìm kiếm một phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa các công ty của mình trở về "NHÀ" và sản xuất hàng hóa tại nước Mỹ. 

Có thể thấy, ông Mnuchin và ông Kudlow là một trong những cố vấn có quan điểm cứng rắn trong đội ngũ kinh tế của Tổng thống Trump khi ông ủng hộ lập trường rút các doanh nghiệp Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc. Thậm chí, nhiều quan chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Mỹ đã hối thúc ông dùng đến luật Quyền hạn Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (IEEPA) từ lâu.

Jennifer Hillman, chuyên gia về chính sách thương mại của Mỹ và giáo sư luật Georgetown nhận định, nếu xảy ra, điều này sẽ làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế Trung Quốc. Tổng thống có thể ngăn chặn các khoản tiền đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc và có thể tạo ra các rào cản gây khó khăn cho việc kinh doanh với Trung Quốc đến nỗi các doanh nghiệp tự động di dời.

"Mỹ vẫn đang giữ vai trò là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại. Mặc dù dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc đứng hàng thứ 6 trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Trung Quốc trong tháng 4/2019 vừa qua, nhưng các nguồn vốn này đều đổ vào các ngành công nghiệp chất lượng cao và có tác động lớn đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự thoái vốn từ Mỹ rất có khả năng kéo theo các nhà đầu tư từ các nước đồng minh của Mỹ", chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, đây là một công việc được đánh giá có nhiều khó khăn bởi động thái này sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không ít công ty Mỹ, chẳng hạn như các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, dịch vụ và bán lẻ chắc chắn sẽ khước từ việc rời khỏi một thị trường không những lớn mà còn đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc.

Mặt khác, hành động này sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc vì họ sẽ buộc phải tái đầu tư vào máy móc, dịch vụ chuỗi cung ứng và đào tạo nhân lực tại những thị trường khác.

Và với việc nhóm lao động chi phí thấp luôn sẵn sàng ở những khu vực khác trên thế giới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó có thể quay trở lại sản xuất ở "nhà"; thay vào đó, họ có thể chuyển đến các quốc gia ở Đông Nam Á hoặc Châu Phi.

Các doanh nghiệp Mỹ đều có tầm nhìn rộng trong vấn đề này. Ngay cả khi có một sự chuyển đổi diễn ra, sẽ phải mất nhiều năm để Mỹ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng được việc sản xuất của các doanh nghiệp.

Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có liên quan chặt chẽ và cùng có lợi ích chung, việc thu hẹp quan hệ chắc chắn không phải là một giải pháp khôn ngoan để xoa dịu căng thẳng và cũng không giúp Mỹ giải quyết những vấn đề chính. Điều này cũng đi ngược với nguyên tắc kinh tế thị trường và các quy định cạnh tranh tự do cũng như xu hướng kinh tế toàn cầu hóa.

Bất kể Tổng thống Trump làm gì, ông đều khó có thể thành công trong việc kéo các công ty Mỹ về nước. Thay vào đó, kích hoạt IEEPA sẽ gây ra nhiều bất ổn kinh tế hơn vào thời điểm suy thoái đang gia tăng và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự leo thang hơn nữa trong cuộc chiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ hối thúc doanh nghiệp rời Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO