Mỹ muốn “làm lành”, Trung Quốc sẽ sẵn sàng?

TRƯỜNG ĐẶNG 04/06/2023 04:30

Trong vài tuần qua, cuộc cạnh tranh Mỹ- Trung đang có dấu hiệu hạ nhiệt với sự thiện chí đến từ Mỹ, nhưng liệu Bắc Kinh có chấp nhận hay không vẫn là một ẩn số.

Hai cường quốc hàng đầu có thể hàn gắn lại mối quan hệ?

Từ nhiều tháng nay, Mỹ và Trung Quốc chưa có các cuộc gặp cấp cao.

Mỹ có thiện chí

Đầu tháng 5 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, đã gặp Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Vienna, Áo như một phần trong các nỗ lực liên tục nhằm kết nối lại đường dây liên lạc bế tắc giữa hai nước.

>>Mỹ và châu Âu chuẩn bị đón "quả bom" di cư

Kể từ sau đó, các chuyến thăm giữa hai bên đã trở nên nhộn nhịp hơn. Các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã họp song phương đầu tiên ở Washington sau nhiều tháng. Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong cũng đến Washington nhậm chức vào cuối tháng 5, lấp đầy một vị trí quan trọng đã bị bỏ trống suốt gần nửa năm.

Thậm chí mới đây nhất, Giám đốc CIA William Burns được cho đã bí mật thăm Bắc Kinh để gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc, nhằm “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường liên lạc và kênh tình báo” của hai bên.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để quan chức hai nước làm “tan băng” quan hệ. Đó là nhằm chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương thường niên vào tháng 11 tại San Francisco, Mỹ, với sự tham gia của cả ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình.

Đồng thời, việc nối lại đường dây liên lạc là điều quan trọng trong lúc quan hệ hai nước ngày một nóng với các vụ việc dễ dẫn tới “tính toán sai lầm”. Mới tuần trước, máy bay quân đội hai nước suýt xảy ra va chạm khi thực hiện tuần tra trên Biển Đông.

Ông Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall cho biết: “Nếu không có đối thoại, sẽ có những rủi ro không thể chấp nhận được đối với cả hai bên, đặc biệt là nguy cơ một cuộc xung đột tại Đài Loan”.

Chưa kể, Mỹ cũng nhận thấy tiềm năng hợp tác sâu hơn với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và giảm nợ cho các nước nghèo. Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, cho biết Trung Quốc đã mời ông đến thăm trong thời gian tới. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng mong muốn đến thăm Trung Quốc, kêu gọi một mối quan hệ kinh tế “mang tính xây dựng” và “lành mạnh”.

Đối với Trung Quốc, khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ có thể giúp vực dậy nền kinh tế trong nước. Sự phục hồi của Trung Quốc đang diễn ra không đồng đều và tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại. Căng thẳng địa chính trị, cũng như việc thắt chặt an ninh quốc gia, đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Mỹ và Trung Quốc vẫn cần sự hợp tác để thúc đẩy thế giới

Mỹ và Trung Quốc vẫn cần sự hợp tác để thúc đẩy sự phát triển kinh tế thế giới.

Để lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài, Trung Quốc mới đây đã chào đón một loạt lãnh đạo các tập đoàn nổi tiếng, bao gồm Tim Cook, CEO của Apple hay Elon Musk, CEO của Tesla trong tuần qua.

Đặc biệt, trong cuộc gặp với ông Musk, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã bày tỏ quan điểm của Bắc Kinh rằng mối quan hệ “lành mạnh, ổn định và mang tính xây dựng” giữa Mỹ và Trung Quốc có lợi cho cả hai nước và thế giới. Ông Cương cho biết hai nước cần biết khi nào nên “đạp phanh” để “tránh lái xe nguy hiểm” và khi nào nên “đạp ga” để thúc đẩy hợp tác.

Trung Quốc cũng có thể cảm thấy áp lực phải hợp tác với Hoa Kỳ để đẩy lùi các hạn chế sâu rộng do chính quyền Biden công bố vào tháng 10 nhằm chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ , chẳng hạn như chất bán dẫn.

Triển vọng “tan băng” vẫn xa vời

Dù vậy, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ không để “tan băng” dễ dàng nếu Mỹ không chịu dỡ bỏ một số chính sách thù địch với Trung Quốc.

Mới đây, đáp lại lời mời gặp bên lề hội nghị Shangrila của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã thẳng thừng từ chối. Tại cuộc họp cấp cao ở Vienna vào tháng 5 vừa qua, trong khi Mỹ thiện chí ở một số vấn đề, Bắc Kinh thậm chí còn cứng rắn hơn đối với những vấn đề khác.

Máy bay Trung Quốc đã bay rất sát máy bay Mỹ trong vụ việc mới ở trên Biển Đông

Máy bay Trung Quốc đã bay rất sát máy bay Mỹ trong vụ việc mới ở trên Biển Đông

Trung Quốc đã thiết lập các điều khoản cho việc tái hợp tác với chính quyền Biden, trong đó bao gồm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Nhiều khả năng đó là vấn đề hạn chế xuất khẩu bán dẫn vốn rất quan trọng với Bắc Kinh.

Ông Haenle, cựu Giám đốc về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Bush và Obama, cho biết: “Khi Trung Quốc nói về việc tìm kiếm sự ổn định trong mối quan hệ, họ thường nói nhiều hơn về việc khiến Mỹ giảm bớt áp lực chiến lược đối với Trung Quốc. Họ muốn Mỹ dừng các biện pháp trừng phạt, dừng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.”

Đáp lại việc từ chối gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, phía Trung Quốc lập luận rằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc là một trở ngại để cải thiện mối quan hệ. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc, người được bổ nhiệm vào tháng 3, đã bị Mỹ trừng phạt kể từ năm 2018 vì mua thiết bị quân sự từ Nga.

Với Mỹ, việc dỡ bỏ các lệnh cấm vấn cũng sẽ khó khăn nếu Trung Quốc không có tiến bộ trước. Sự mâu thuẫn trong quan điểm, ý thức hệ và lòng “tự tôn” của hai cường quốc là mắt xích cản trở những nhượng bộ cần thiết đưa quan hệ trở lại quỹ đạo.

>>Châu Á tìm cách đảm bảo an ninh kinh tế trước căng thẳng Mỹ - Trung

Để trả đũa những chính sách thù địch, chính phủ Trung Quốc tuần trước đã tuyên bố cấm một số công ty mua sản phẩm từ Micron Technology, một nhà sản xuất vi mạch có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Ngay cả khi các cuộc đàm phán được bắt đầu lại, một số vấn đề vẫn có thể khó hoặc không thể giải quyết được, như chiến sự Nga – Ukraine, hay thái độ chính trị cứng rắn của giới lập pháp Mỹ tại Quốc hội với Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • "Căng thẳng" với Trung Quốc về Kashmir, Ấn Độ sẽ về phe Mỹ?

    04:00, 27/05/2023

  • Sức mạnh hải dương đang định hình

    Sức mạnh hải dương đang định hình "quyền lực" Trung Quốc

    04:00, 25/05/2023

  • Mỹ và châu Âu chuẩn bị đón

    Mỹ và châu Âu chuẩn bị đón "quả bom" di cư

    04:00, 03/06/2023

  • Châu Á tìm cách đảm bảo an ninh kinh tế trước căng thẳng Mỹ - Trung

    Châu Á tìm cách đảm bảo an ninh kinh tế trước căng thẳng Mỹ - Trung

    03:30, 28/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ muốn “làm lành”, Trung Quốc sẽ sẵn sàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO