Nhiều chuyên gia nhận định Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) có thể giúp Mỹ áp đặt vai trò chi phối thế giới bằng năng lượng sạch.
>>Quan hệ Mỹ- Châu Âu "rạn nứt" vì đạo luật IRA và khí đốt
Gần 3 năm trước, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vừa rút ra khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng hiện nay, nước Mỹ đang kỳ vọng định hình lại trật tự năng lượng toàn cầu thông qua điện khí hóa và các loại nhiên liệu thế hệ mới với đạo luật Giảm Lạm phát (IRA).
IRA sẽ cung cấp 369 tỷ USD tín dụng, trợ cấp, hay các khoản vay cho các công ty, cá nhân, hộ gia đình sản xuất và sử dụng năng lượng sạch. Ngân hàng Credit Suisse dự báo chi tiêu công của Mỹ dưới tác động của IRA có thể lên tới từ 800 tỷ USD đến 1,7 nghìn tỷ nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Ông David Scaysbrook, chuyên gia của Quinbrook Infrastructure Partners, một tập đoàn công nghệ sạch toàn cầu cho biết: “Mỹ hiện là thị trường giàu cơ hội nhất, tăng trưởng mạnh mẽ nhất, phát triển nhất cho đầu tư vào năng lượng tái tạo trên thế giới hiện nay”.
Kể từ khi đạo luật IRA được thông qua vào năm ngoái, 90 tỷ USD vốn đã được cam kết cho các dự án năng lượng tái tạo mới tại Mỹ. Từ Ohio đến Georgia, các nguồn đầu tư đang đổ vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng lithium-ion, công nghệ quan trọng trong tiến trình điện khí hóa ngành ô tô Mỹ.
Ngoài điện gió và mặt trời, IRA còn có tác động lớn đối với các công nghệ mới như nhiên liệu hydro xanh – một giải pháp nhiên liệu sạch đột phá cho tương lai. Các khoản trợ cấp trong IRA có thể giúp tiết kiệm khoảng một nửa chi phí dự án, khiến Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất cho đầu tư vào loại hình năng lượng tương lai này.
Với đặc tính giàu năng lượng gấp 3 lần so với xăng, hydro hóa lỏng không chỉ ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, mà còn có thể dùng cho các phương tiện giao thông, kể cả loại có trọng tải lớn.
“Pin xe điện sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của các xe tải có tải trọng từ 40 tấn trở lên. Nó không phù hợp về mặt thương mại. Lý tưởng nhất là thay thế dầu diesel bằng hydro”, ông Antoine Huard, nhà đồng sáng lập Verso Energy tại Pháp, lý giải.
Nếu thương mại hóa thành công loại nhiên liệu này, Mỹ có thể đặt dấu mốc quan trọng trong việc thay đổi trật tự thế giới, không khác gì vai trò của dầu mỏ từ thế kỷ 19 cho đến nay. Và IRA chính là một trong những bước đi đầu tiên của chính quyền Mỹ trong theo đuổi tham vọng đó.
>>Châu Âu tìm cách ứng phó với Đạo luật IRA của Mỹ
Tuy nhiên, kế hoạch này phải giải quyết được hai thách thức lớn: vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong ngành năng lượng sạch; và sự đồng thuận của Châu Âu.
Trung Quốc từ lâu đã chú trọng phát triển công nghệ pin và hiện đã có những bước tiến vượt trên Mỹ. Bloomberg ước tính Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 546 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2022, một con số cho thấy nỗ lực của Mỹ vẫn chưa thấm vào đâu.
Trung Quốc và châu Âu sản xuất hơn 80% lượng coban toàn cầu, trong khi Bắc Mỹ chỉ chiếm chưa đến 5% sản lượng. Nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng chiếm 60% sản lượng tinh chế lithium của thế giới. Khoảng 2/3 pin trên thế giới dành cho ô tô điện và gần 3/4 tổng số mô-đun năng lượng mặt trời cũng do Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó do chậm chuyển đổi, các nguyên liệu, phụ tùng và năng lực chế tạo trong nước của Mỹ rất hạn chế. Lithium, niken và coban cho pin, hay đất hiếm cho mô-đun năng lượng mặt trời, hầu hết đều có giá thành rẻ hơn nếu nhập từ nước ngoài.
Dù chậm chân, IRA cũng đang bắt đầu giúp Mỹ cải thiện nguồn cung. Điển hình như dự án 650 triệu USD của GM để phát triển mỏ lithium lớn nhất Hoa Kỳ ở Nevada; hay các tập đoàn Honda, Hyundai, BMW và Ford đều đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la để chế tạo pin ở Mỹ. Nhưng kể cả như vậy, đó vẫn quá nhỏ so với quy mô của Trung Quốc.
Đối với châu Âu, đã có sự quan ngại trong khối về tính bảo hộ của chương trình IRA. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng IRA có thể "chia rẽ phương Tây", hay Bà Ursula von der Leyen , Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nói rằng chương trình này sẽ mang lại “sự cạnh tranh không lành mạnh”. Theo các nhà phân tích, EU đang thảo luận các phương án đáp trả để không lép vế trong cuộc đua năng lượng sạch.
Trong một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như năng lượng tái tạo hay nhiên liệu xanh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nền khoa học tiên tiến như Mỹ và phương Tây là điều rất cần thiết. Chưa kể đến khả năng thắt chặt nguồn cung nguyên liệu, việc châu Âu e dè trong hợp tác cũng đã tạo ra những trở lực nhất định cho tham vọng của Washington.
“Có rất nhiều thành phần trong xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời hay gió. Sẽ không thực tế khi nói rằng Mỹ có thể hoàn toàn tự cung tự cấp theo cách đó”, Marlene Motyka, chuyên gia về năng lượng tái tạo Mỹ tại Deloitte cho biết.
Tình trạng thiếu công nhân lại là một vấn đề cấp bách khác. Ước tính Mỹ sẽ cần thêm nửa triệu công nhân xây dựng vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng sạch, một con số khổng lồ khiến các chuyên gia hoài nghi về khả năng đào tạo nhân lực.
Ông Basu Anirban, chuyên gia kinh tế trưởng tại Associated Builders and Contractors (ABC), cho biết : “Chúng tôi có một loạt các dự án lớn trước mắt nhưng thị trường lao động không thể đáp ứng nổi”.
“Những điều kiện này thực sự sẽ làm suy yếu toàn bộ chương trình nghị sự về năng lượng sạch của chính quyền Biden,” Ben Brubeck tại ABC cho biết.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có khả năng tập hợp được những nguồn lực cần thiết để tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của mình. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ Mỹ sẽ làm điều đó như thế nào trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt với Trung Quốc – nhà xuất khẩu pin xe điện hàng đầu thế giới.
Có thể bạn quan tâm