Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Sau Australia, Mỹ đang thúc đẩy xây dựng dự luật hỗ trợ các tổ chức, hãng tin tức nhỏ đàm phán với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook.
Theo Reuters, các hạ nghị sĩ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ sẽ đưa ra một loạt dự luật chống độc quyền, trong đó dự luật đầu tiên nếu được thông qua trong những tuần tới sẽ cho phép các hãng tin tức nhỏ thương lượng chung với Facebook và Alphabet -công ty mẹ của Google.
Dự luật trên tương tự như một dự luật được Hạ nghị sĩ David Cicilline đưa ra năm 2019, trong đó cho phép các nhà xuất bản tin tức nhỏ kết hợp với nhau để đàm phán với các “ông lớn về công nghệ”.
Bên cạnh đó, dự luật sẽ cho phép các tổ chức báo in, phát thanh truyền hình hoặc tin tức kỹ thuật số làm việc cùng nhau để giành được các giao dịch tốt hơn từ Facebook và Google trong thời gian bốn năm.
Có thể thấy, cuộc chiến giữa Facebook, Google với chính phủ Australia đã gửi lời cảnh báo đến các quốc gia khác về việc thực sự cần có một công cụ ràng buộc để giải quyết sự mất cân bằng cố hữu trong khả năng thương lượng với các công ty công nghệ vốn đang thể hiện "quyền hạn quá mức" trên internet.
Đồng thời, khi đại dịch COVID-19 càng làm tăng thêm sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ, dữ liệu từ Pew Research đã chỉ ra, ngành công nghiệp tin tức đang gặp khó khăn khi các tờ báo của Mỹ đã cắt giảm giảm một nửa việc làm kể từ năm 2008, trong bối cảnh doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Trong khi đó, thói quen đọc của người dùng đã chuyển dần sang các nền tảng công nghệ và mạng xã hội, đặt ra thách thức lớn cho ngành báo chí thế giới. Một cuộc khảo sát tại Mỹ gần đây cho thấy, khoảng một nửa số người Mỹ trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên cập nhật tin tức thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Chính vì vậy, các tờ báo truyền thống, với tư cách là nhà cung cấp nội dung chính của các phương tiện truyền thông mới, phàn nàn rằng Google và Facebook đã cắt đứt các nguồn tài chính của riêng họ.
Theo chuyên gia Shoshana Zuboff, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, doanh thu quảng cáo từng được chi vào báo chí chất lượng giờ đây vào tay của trung gian ‘big tech’ và một phần tiền đó còn được chi vào các nội dung giả mạo, sai sự thật, chất lượng thấp.
“Sự lớn mạnh vượt tầm kiểm soát của các ông lớn như Google và Facebook đã gây sự chú ý tới chính phủ thuộc nhiều nước trên thế giới. Việc triển khai các biện pháp bên cạnh mục đích siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ và nền tảng mạng xã hội, không chỉ chống độc quyền và tạo sân chơi công bằng cho các hãng tin tức, mà còn để chống các nội dung xấu độc, ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, kích động thù hận”, bà Shoshana nhận định.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, tầm ảnh hưởng của những ông lớn như Google và Facebook đã vượt quá biên giới quốc gia. Chính vì vậy, nếu các chính phủ hợp tác để cùng xây dựng một cơ chế buộc Google và Facebook đàm phán với các tòa soạn và công ty truyền thông, thì các ông lớn công nghệ khó có thể tránh được việc thanh toán để sử dụng lại nội dung tin tức.
Nói cách khác, thay vì các nước nỗ lực đưa ra những dự luật với những điều khoản khác nhau, việc hợp tác xây dựng một bộ quy tắc chung để siết chặt quản lý và yêu cầu các công ty công nghệ phải điều chỉnh, phải có trách nhiệm tuân thủ về nội dung tin tức.
Thay vì để các “đế chế” như Google, Facebook được quyền quyết định người dân được tiếp cận với loại thông tin, tin tức nào, đã đến lúc các quốc gia cần can thiệp sâu hơn và giành lại quyền phân phối thông tin cho các kênh tin tức chính thống.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo thông tư hướng dẫn Luật thuế: Cá nhân, doanh nghiệp trong nước nộp thuế thay Google, Facebook?
04:10, 08/03/2021
Đã đến lúc Facebook ăn chia sòng phẳng với báo chí
15:23, 05/03/2021
TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 22-28/2: Facebook và “quyền lực thứ 4”
05:02, 28/02/2021
Facebook và “quyền lực thứ 4” (Bài cuối)
06:40, 24/02/2021