“Ô nhiễm mạng xã hội” đang là vấn nạn tại Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề phải thắt chặt quản lý, nhưng không ảnh hưởng tới kinh doanh của các nền tảng này.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Camellia Dinh, CEO Công ty Truyền thông The Brand Promise, xung quanh vấn đề này.
Các mạng xã hội (MXH) cũng là một công ty tư nhân và hoạt động kinh doanh của họ liên quan rất nhiều tới thị hiếu của người dùng. Mục tiêu của các nền tảng MXH là có càng nhiều tương tác và nhiều thành viên càng tốt. Do đó, việc tạo ra các chủ đề hay thúc đẩy các xu hướng cũng đồng nghĩa với việc họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn thông qua “pay per click” hay các dịch vụ khác.
Do đó, việc siết chặt nội dung rõ ràng sẽ có tác động đến các nền tảng MXH, nhưng nếu nghĩ theo một hướng tích cực thì vẫn có cơ hội trong thách thức.
Việt Nam trong thời điểm hiện tại có thể coi là một trong những đất nước đang có nhiều ưu thế, đặc biệt là tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao. Điều này đồng nghĩa với nhiều cơ hội dành cho các nền tảng MXH.
Cơ hội ở đây cho các doanh nghiệp là nếu họ làm tốt trong việc hạn chế nội dung xấu hay nhảm nhí, thì hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam cũng sẽ bền vững và hiệu quả hơn. Và với thị trường 100 triệu dân, cơ hội đến từ kinh doanh bền vững không phải là nhỏ.
Tôi nghĩ còn rất nhiều lĩnh vực thú vị mà chúng ta vẫn chưa khai thác được từ sự hợp tác với MXH. Ví dụ, một dự án cổ phục Việt Nam qua các thời kỳ mà tôi từng quan sát hoàn toàn do các bạn trẻ thực hiện. Nhưng thay vì các cách truyền thống để truyền tải nội dung, họ sáng tạo các nội dung trên MXH và được chia sẻ rất nhanh và rộng rãi.
Việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vận hành và cơ quan chức năng chắc chắn là giải pháp hàng đầu. Các nền tảng MXH, thường là của nước ngoài, đều có các thuật toán và bộ lọc nội dung có thể phần nào giảm bớt các nội dung không lành mạnh và họ cũng đang làm điều đó.
Ngoài sự quản lý của cơ quan Nhà nước, việc hạn chế các nội dung xấu hay tin giả để câu view cũng cần những nghiên cứu kỹ hơn về các lĩnh vực khác. Việc tiếp cận từng bước một và phải nhiều chiều trên bình diện vĩ mô, từ kinh tế, tâm lý, giáo dục cho tới các biện pháp kỹ thuật mới có thể làm cho các nội dung “sạch” được phổ biến trên các nền tảng MXH.
Tuy nhiên, để có một phương án triệt để thì rất khó nói bởi đây lại là những vấn đề về mặt kỹ thuật mà Việt Nam chưa thể xử lý được. Ví dụ, cũng chưa có phương án tối ưu để bảo vệ những người bị xúc phạm nhân phẩm hay bị bôi nhọ trên MXH, ngoài một số chế tài xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên, từ phía cá nhân, tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục trong gia đình. Các bậc phụ huynh cần hiểu hơn về tác hại của các nội dung xấu, độc để có tác động và kiểm soát quá trình sử dụng MXH của con cái.
Theo tôi, cách tốt nhất mà các nền tảng MXH có thể làm là tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước để cùng khuyến khích các nội dung tích cực. Sự hợp tác giữa những người làm chính sách chiến lược, MXH và những người làm nội dung sáng tạo trong việc lan tỏa các nội dung mang tính giáo dục có thể tạo tác động mạnh mẽ tới giới trẻ.
Bởi vậy, nên coi MXH như một môi trường để mọi người được thỏa sức sáng tạo trong phạm vi và tuân thủ theo một số quy định nhất định về đạo đức, an toàn, hay tính giáo dục trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Ví dụ đơn giản là một cuộc thi nấu ăn, làm đồ văn hóa Việt truyền thống hay là đồ tự làm (DIY) trên các nền tảng MXH, từ đó dần dần tăng tỷ lệ áp dụng các kiến thức vào cuộc sống mà họ đã học được.
Bản thân doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình như thế cũng vừa có cơ hội quảng bá cho họ, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn cách thức thực hiện và các giá trị văn hóa mà chúng ta theo đuổi. Như vậy, đó cũng là mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xem xét đầu tư tài trợ cho các chương trình giáo dục về nâng cao nhận thức trên MXH, hay hoạt động giáo dục khác phù hợp tại Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!