Những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh khinh khí cầu sẽ là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ giữa hai nước.
>>Vấn đề hóc búa của ông Joe Biden trong quan hệ với Trung Quốc
Máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi là thiết bị gián điệp của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2. Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, cho rằng Washington đã phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế.
Giới quan sát nhận định, vụ lùm xùm khí cầu gián điệp trong những ngày qua không chỉ làm gián đoạn kế hoạch thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt.
Theo ông Lyle Morris, cựu Giám đốc về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho hay: “Đây là một sốc khá lớn đối với lòng tin của công chúng trong quan hệ Mỹ - Trung. Hoạt động gián điệp của Trung Quốc chưa bao giờ là trọng tâm trong nhận thức của công chúng Mỹ”.
Trong khi đó, Tướng quân đội đã nghỉ hưu John Ferrari, một thành viên tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận định, có rất nnhiều lý do để chính quyền Tổng thống Biden lo ngại về khinh khí cầu. Chuyên gia này chỉ ra, ngay cả khi khinh khí cầu không được trang bị vũ khí, nó vẫn gây rủi ro cho Hoa Kỳ.
"Bản thân chuyến bay có thể được sử dụng để kiểm tra khả năng của Mỹ trong việc phát hiện các mối đe dọa sắp tới và tìm ra lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo phòng không của nước này. Nó cũng có thể cho phép Trung Quốc cảm nhận được sự phát xạ điện từ mà các vệ tinh ở độ cao lớn hơn không thể phát hiện được, chẳng hạn như tần số vô tuyến năng lượng thấp có thể giúp họ hiểu cách các hệ thống vũ khí khác nhau của Mỹ kết nối với nhau".
Tuy nhiên, trên thực tế, các quan chức Hoa Kỳ cho biết những khinh khí cầu tương tự của Trung Quốc đã đi qua lãnh thổ của Mỹ trong thời gian ngắn ít nhất ba lần dưới thời chính quyền Trump và một lần dưới thời chính quyền Biden. Nhưng không có sự cố nào kéo dài trong khoảng thời gian này.
>>Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?
Do đó, cả hai bên đều có những phản ứng thận trọng trước vụ việc. Trong một tuyên bố hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lấy làm tiếc trước việc khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Bắc Kinh coi đây là sự cố bất khả kháng, khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự và mang mục đích nghiên cứu.
Nhà Trắng cũng có cách tiếp cận thận trọng. Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre cho biết khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ không cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về vị trí của thiết bị này.
Nhưng vụ việc này có thể làm dấy lên những phản ứng căng thẳng từ phía những người có quan điểm diều hâu với Trung Quốc trong nội bộ chính quyền Mỹ. Một số Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa đang kêu gọi đối đầu với Bắc Kinh về sự cố khinh khí cầu và cho rằng ông Biden đang mềm mỏng với Trung Quốc.
Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, đã yêu cầu được biết lý do tại sao chính quyền không bắn hạ quả bóng bay, cáo buộc Tổng thống Mỹ cho phép nó gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp và liên tục đối với Mỹ".
"Quốc hội Mỹ gần như chắc chắn sẽ tổ chức các phiên điều trần về phản ứng của chính quyền và đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính hiệu quả của chính sách Trung Quốc dưới thời ông Biden”, ông Craig Singleton, thành viên cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức Foundation for Defense of Democracies, nhận định.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Washington và Bắc Kinh có những toan tính gì xung quanh vấn đề này. Nhà quan sát hàng đầu về Trung Quốc Steve Tsang tại SOAS ở London đánh giá, triển vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ- Trung sẽ phụ thuộc “vào cách các phương tiện truyền thông đưa tin về câu chuyện khinh khí cầu diễn ra như thế nào". Về phần mình, Bắc Kinh có thể cố gắng xoa dịu căng thẳng nếu điều này khuyến khích Mỹ nới lỏng một số các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu chất bán dẫn và công nghệ, vốn đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm