Năm 2019 cuộc đua gay cấn của thương mại điện tử

Nguyễn Long 07/02/2019 01:51

Cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2019 hứa hẹn sẽ còn rất gay cấn.

Năm 2019 cuộc đua gay cấn của thương mại điện tử

Năm 2019 cuộc đua gay cấn của thương mại điện tử

Thị trường kỳ vọng

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Không chỉ vậy Google và quỹ đầu tư Temasek trong một nghiên cứu cuối tháng 11 đã dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam từ nay đến 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 43%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.

Cùng với đó, thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm.

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nếu chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%. Bởi vậy mà cuộc đua của các doanh nghiệp thương mại điện tử được cho là sẽ ngày càng khốc liệt để giành lấy thị phần hấp dẫn này.

Là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của hàng loạt trang thương mại điện tử. Đặc biệt phải kể đến những trang như Lazada, Tiki hay Shopee,…

Theo một phân tích tổng kết về thương mại điện tử Việt Nam 2018 do iPrice Group vừa công bố mới đây, trong bảng xếp hạng 10 trang thương mại điện tử có lượng người truy cập lớn nhất Đông Nam Á có tới 5 cái tên trong đó hoạt động tại Việt Nam. Điều đặc biệt là ngoài Shopee và Lazada thuộc sở hữu các tập đoàn đa quốc gia, 3 cái tên còn lại là những đại diện nội.

Kết quả từ báo cáo của iPrice cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam là rất lớn và sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. 

Có thể bạn quan tâm

  • Từ câu chuyện Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc: Trông người lại nghĩ đến ta

    09:08, 06/01/2019

  • Có gì đặc biệt trong Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc?

    11:30, 03/01/2019

  • Thương mại điện tử “bức tử” doanh nghiệp Việt?

    07:30, 22/12/2018

  • Đặt nhiều kỳ vọng, vì sao Thế giới Di động đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui?

    12:00, 17/12/2018

Cuộc đua đốt tiền

Với tiềm năng phát triển to lớn đó, không khó hiểu khi trong năm 2018, các công ty thương mại điện tử Việt Nam liên tục được rót các khoản tiền khủng từ các quỹ đầu tư quốc tế. Tiki đã nhận thêm tiền từ tập đoàn JD, bổ sung vào khoản đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Shopee Việt Nam cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) bơm thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.

Trước sự bành trướng của đối thủ Shopee, tháng 3/2018, Tập đoàn Alibaba quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh.

Không thua kém các đối thủ, trong năm 2018, sàn thương mại điện tử Sendo cũng kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác.

Những khoản đầu tư khủng cùng sự thay đổi vị trí liên tục cho thấy quyết tâm của các sàn thương mại điện tử trong việc "đốt tiền" để giành thị phần.

Với việc các sàn thương mại điện tử hiện nay khá tương đồng, không cung cấp các giá trị vượt trội dẫn đến gây khó trong việc cạnh tranh. Vì vậy, để giành thị phần các sàn phải chạy đua về giá thành. Và đây chính là cuộc đọ sức xem bên nào có nguồn vốn lớn hơn, bên nào chịu lỗ đủ lâu để lôi kéo khách hàng về phía mình. Đây là cách mà các sàn sử dụng trong suốt thời gian qua, tuy nhiên iPrice nhận định 2018 đánh dấu một sự chuyển hướng của các công ty thương mại điện tử trong cách tiếp cận khách hàng tại Việt Nam: thiên về giải trí và gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Dẫn đầu xu hướng này là Shopee. Thay vì chỉ tổ chức các chương trình giảm giá thông thường, sàn thương mại điện tử này có thêm các trò chơi tương tác hấp dẫn như Chém Giá hay Lắc Siêu Xu cho các dịp lễ 9/9 và 11/11. Lazada hay Tiki cũng không kém cạnh khi giới thiệu nhiều trò chơi sáng tạo để thu hút người tiêu dùng trong năm 2018. Hai công ty này cũng chú trọng áp dụng các ưu đãi dành riêng cho ứng dụng di động để tăng khả năng tương tác của người tiêu dùng.

Ông Jing Yin – đồng chủ tịch Lazada Group, trong bài phỏng vấn với tờ The Drum chia sẻ: “Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để chúng tôi có thể kết hợp tính giải trí của các trò chơi với các chương trình khuyến mãi phù hợp để thu hút khách hàng. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ và sẽ vẫn còn được tiếp tục”.

Có thể thấy các công ty thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng ý thức được rằng chỉ có giảm giá đơn thuần là chưa đủ mà để cạnh tranh và giữ chân khách hàng lâu dài thì họ còn cần phải thỏa mãn được nhu cầu giải trí của người tiêu dùng. Xu thế này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục xuất hiện rộng rãi trong năm 2019. Vào điều đó cho thấy cuộc chiến thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 hứa hẹn sẽ còn rất gay cấn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm 2019 cuộc đua gay cấn của thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO