Năm 2019, ngành ngân hàng xử lý nợ xấu theo hướng nào?

Hà Phương 13/01/2019 16:37

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2019 ngành ngân hàng tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn chặt với đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Ngành ngân hàng sẽ ráo riết xử lý nợ xấu 2019

Ngành ngân hàng sẽ ráo riết xử lý nợ xấu trong năm 2019

Năm 2018 - tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ

Năm 2018, nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào khoảng 163 nghìn tỷ đồng, đây là số liệu được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu năm 2018 là 2,4%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của năm 2017.

Tuy nhiên, theo Ủy ban, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản ủy thác, phải thu khó đòi. Nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.

Có thể nói, nhờ hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn (chủ yếu nhờ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng và thu nợ từ khách hàng), giá trị nợ xấu xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là bằng các hình thức xử lý khác.

Năm 2018, một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB. Một số ngân hàng như Agribank, BIDV... chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Mặc khác, VAMC đã hoàn thành kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường trong năm 2018. Đây là những yếu tố tích cực để hệ thống TCTD tiếp tục xử lý nợ xấu trong năm 2019.

Năm 2019: Cơ cấu các TCTD gắn chặt với đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Văn Du - Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, đến nay, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (không bao gồm 61,04 nghìn tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,59%)”.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, nợ xấu không chỉ có nguyên nhân phát sinh từ các ngân hàng mà từ thị trường, từ sản xuất kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, phá sản, một số khách hàng thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng. Do vậy việc giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ban ngành các cấp.

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN, cho biết, mục tiêu của ngành Ngân hàng năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô.

Theo đó, đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém; Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng mục đích

Đặc biệt, năm 2019 toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Theo đó, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%.  Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu... Đây là hướng mới của toàn ngành trong việc ngăn chặn xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019-2020...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm 2019, ngành ngân hàng xử lý nợ xấu theo hướng nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO