Những kết quả kinh doanh năm 2023 của các tổ chức tín dụng bắt đầu được công bố cho thấy, dù khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nhóm Big 4 vẫn ghi lợi nhuận tích cực.
>>>Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng 2023: Nhóm “Big 4” có tham vọng gì?
Theo đó, mặc dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng chỉ mới lần lượt được công bố, song top lợi nhuận cao đã bắt đầu gọi tên nhóm "chiếu trên" - Big 4 các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (SOEs).
Vietcombank: Nhiều năm giữ ngôi vương lợi nhuận và chỉ bị cắt ngang 1 lần duy nhất do VPBank được hạch toán khoản bán cổ phần cho khối ngoại, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục nối dài vị trí thống trị lợi nhuận toàn ngành của Vietcombank.
Theo công bố tại hội nghị tổng kết mới đây, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao (cụ thể tăng 10,2% so với năm 2022); Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.
Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt khoảng 41.200 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11 là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu TT11 đạt mức 185%.
>>>Ngân hàng Big 4 đua tăng vốn
ĐHĐCĐ Vietcombank năm 2023 đã thông qua mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế 15%, đạt tối thiểu gần 43.000 tỷ đồng. Năm 2-24, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 8%; huy động vốn thị trường một tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng với việc kiểm soát tỷ lệ cho vay/huy động (theo Thông tư 22); tín dụng tăng tối thiểu 12% và trong hạn mức được giao với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 10%.
Trước đó, trong năm 2023, Vietcombank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.500 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ đạt hơn 55,8 nghìn tỷ đồng.
VietinBank: Cũng theo báo cáo của VietinBank, tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tích cực ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng bền vững. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu Vietinbank cuối tháng 9/2023 là 1,37%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể trong quý cuối cùng của năm và mức 1,15% cũng thấp hơn so với cuối năm 2022 (1,24%).
ĐHCĐ thường niên năm 2023, Vietinbank được phê duyệt kế hoạch lợi nhuận 2023 là 22.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của Vietinbank năm 2023 ở mức 22.500 tỷ đồng, tổng tài sản tăng trưởng từ 5%-10% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Cuối tháng 12/2023, VietinBank đã hoàn tất phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank đã tăng lên gần 53.700 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định nền tảng tài chính vững mạnh của một ngân hàng trụ cột hàng đầu tại Việt Nam.
Agribank: Ngân hàng tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023. Cụ thể đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông".
Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Nợ xấu dưới 2%. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của Agribank ước đạt 25.300-25.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế Agribank đạt 21.860 tỷ đồng, theo đó Agribank đã vượt qua một loạt ông lớn trong ngành như MB (20.019 tỷ đồng), BIDV (19.763 tỷ đồng), VietinBank (17.401 tỷ đồng), Techcombank (17.115 tỷ đồng) và trở thành nhà băng lãi lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.
Trong năm 2023, Agribank cũng đã được bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 để tăng vốn điều lệ. Năm 2024 sẽ bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
BIDV: Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao, BIDV thông tin: Với tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam; huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%.
Trong năm 2023, BIDV đã thực hiện miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với số tiền lên tới 5.900 tỷ đồng. Cùng với đó, là NH đi đầu về đảm bảo giá trị cổ phiếu tăng trưởng trong top cổ phiếu ngành bank (26,4%); vốn hóa đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 2 thị trường.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt trên 27.400 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 192%.
Với việc nộp ngân sách Nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, BIDV thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, BIDV cũng đã được NHNN chấp thuận tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng vốn điều lệ. BIDV cho biết vốn điều lệ tăng thêm rằng sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động như hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ...
Như vậy, điểm chung của các ngân hàng nhóm Big 4 trong năm qua là: Đi đầu hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân theo các chủ trương, chính sách của NHNN, tuy nhiên vẫn đạt kết quả kinh doanh tích cực. Cùng với đó, các NH đều đã thực hiện tăng vốn điều lệ.
Có thể bạn quan tâm
Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng Big 4 theo phương án nào?
14:52, 01/10/2022
Áp lực tăng vốn với Big 4
20:36, 12/07/2022
Năm 2022 vốn điều lệ các ngân hàng nhóm Big 4 sẽ được tăng bao nhiêu?
05:30, 30/04/2022
Tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng
11:30, 22/10/2020
Nhóm Big 4 đi đầu giảm lãi gần 17 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp
05:00, 10/02/2022