Đó là nhận định của Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành tại Hội nghị Hội viên VCCI đầu năm 2023 mới đây.
>>>Hiện thực hoá chiến lược doanh nghiệp từ nguồn vốn
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá, năm 2023, ngoài khó khăn về xuất khẩu, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chứng khoán của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều khó khăn mới. Theo ông Thành, bất động sản là một ngành kinh tế rất lớn, chiếm tỷ trọng cao và nộp ngân sách cũng khá lớn. Tuy nhiên, ngành bất động sản đang chứng kiến một năm 2022 với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là năm nay, thị trường gần như đóng băng.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường này thông qua các gói tín dụng, thông qua các chính sách để giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý cho các dự án, nhằm tháo gỡ kịp thời. Bởi theo ông Thành, nhiều dự án bất động sản giá cao là do thủ tục pháp lý bị kéo dài, từ khi hình thành dự án đến khi có sản phẩm, có khi phải mất từ 3-5 năm, thủ tục cũng kéo dài từ 2-3 năm.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản vừa qua, các doanh nghiệp cũng đề xuất ngoài việc tháo gỡ khó khăn về vốn, Chính phủ cũng cần quyết liệt giải quyết các vấn đề về pháp lý nhanh gọn, để góp phần giải cứu thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đang bị tắc. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp khi cần vốn thì trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn rất hiệu quả. Tuy nhiên, do thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp làm không chuẩn, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực thi, chấn chỉnh và một số lãnh đạo doanh nghiệp đã bị khởi tố, khiến kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bị ngưng trệ trong năm 2022. Và trong năm 2023, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
“Đối với các doanh nghiệp đã phát hành rồi thì hiện nay cũng đã đến thời kỳ đáo hạn và nguồn tiền ở đâu để thanh toán lãi và nợ gốc trái phiếu cho các trái chủ? Đó là câu chuyện mà vừa rồi, chúng ta chuẩn bị sửa đổi Nghị định 65 để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thương lượng với các trái chủ để gia hạn thờn gian thanh toán hoặc tạo điều kiện để ngân hàng mua lại trái phiếu. Đó là những điều mà chúng ta phải lường trước những khó khăn của thời gian tới, nhất là việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn. Cuối năm 2022, chúng ta đã chứng kiến một cuộc đua ngầm tăng lãi suất huy động của các ngân hàng, khiến cho lãi suất cho vay tăng cao.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, điều đáng mừng là theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước mới đây, buộc các ngân hàng huy động với lãi suất không được quá 9,5%. Các ngân hàng Thương mại cũng đã có dấu hiệu giảm lãi suất huy động và sắp tới đây, các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, hiện Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ với lãi suất 2% và gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua đó, hy vọng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp sắp tới sẽ đỡ hơn.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sẽ không dễ dàng, bởi chúng ta cũng không thể bơm tín dụng ra thị trường quá nhiều được vì mục tiêu hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Mặc dù vậy, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, năm 2023 cũng có những thuận lợi như, mức lạm phát trên thế giới sẽ dần được kiềm chế và kinh tế thế giới sẽ được cải thiện hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc cũng đã mở cửa từ ngày 8/1, đây là một thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ. Và khi Trung Quốc mở cửa sẽ tạo cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản.
Hơn nữa, rất nhiều ngành hàng của Việt Nam hiện nay như dệt may, da giày, đồ gỗ, thực phẩm…đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu rất lớn từ Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp giải quyết được những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cũng theo ông Thành, tuy hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa với thị trường du lịch Việt Nam. Trong số 20 nước được cho phép tổ chức các tour du lịch từ Trung Quốc ra nước ngoài, thì chưa có Việt Nam. Nhưng hiện Chính phủ hai nước vẫn đang tích cực làm việc và hy vọng sắp tới đây thị trường du lịch cũng sẽ được tháo gỡ.
“Chúng ta thường nói “trong nguy luôn có cơ”, và trong năm 2023 này mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại, đổi mới theo xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững", Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho biết, hiện nay các nước châu Âu và một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã đặt ra những rào cản kỹ thuật như, đòi hỏi về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải tiến hành một cách mạnh mẽ để đáp ứng xu thế chung, và nếu không chuyển đổi kịp thì việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Hiện thực hoá chiến lược doanh nghiệp từ nguồn vốn xanh
05:10, 10/02/2023
Khơi thông tắc nghẽn hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
05:14, 24/12/2022
Cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản
20:55, 17/12/2022
KINH TẾ 2023: Cần giải pháp đột phá khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp
16:28, 17/12/2022