Kinh tế số

Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Lê Linh - Bùi Hiền 25/01/2025 00:31

Nam Định triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo đòn bẩy kinh tế số mạnh mẽ cho địa phương.

Việc xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng số được Nam Định xác định là yếu tố then chốt, mở đường cho sự thành công của các doanh nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số và đạt được nhiều kết quả tích cực.

chuyen-doi-so-nam-dinh (2)
Nam Định đẩy mạnh hỗ trợ tập huấn, đào tạo kiến thức nền tảng, pháp luật cho các doanh nghiệp về hoạt động chuyển đổi số và bán hàng trên các trang thương mại điện tử

Theo thống kê, hiện, trên địa bàn tỉnh Nam Định có hơn 2.000 doanh nghiệp và hàng chục nghìn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở, doanh nghiệp gặp khó khăn, cùng với những hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực đã cản bước quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nơi đây.

Để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường đang bùng nổ về công nghệ, Nam Định đã chủ động xây dựng các đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại. Điển hình, thông qua “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Nam Định đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận môi trường số, tạo sức bật mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tại các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Nam Định cũng từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại địa phương. Mặt khác, hỗ trợ, phát triển và áp dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn để thích ứng kịp thời với bối cảnh mới.

Các ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh và tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí... Nhiều doanh nghiệp lớn đã xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Đặc biệt, Nam Định còn tổ chức tập huấn online cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất về thủ tục thông báo website, các chính sách pháp luật, cách bán hàng livestream hiệu quả… góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng gian hàng số, sáng tạo nội dung video, bài viết, câu chuyện theo chủ đề quảng bá, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để bán hàng hiệu quả thông qua các nền tảng Tik Tok, Facebook, Shopee, webiste…

Bà Đỗ Thị Gấm - Chủ tịch Hội đồng quảng trị HTX dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: “HTX có 9 sản phẩm trà thảo dược, trong đó có 2 sản phẩm Thanh Tâm uyển và Tĩnh tâm trà được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào các năm 2023, 2024. Trước đây, chúng tôi chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống và đăng tin bài giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng xã hội như Facebok, Zalo. Tuy nhiên, cách giới thiệu sản phẩm cũng đơn giản chưa tạo được ấn tượng, thu hút khách hàng. Nhờ được tập huấn kỹ năng livestream, giới thiệu sản phẩm ấn tượng nên đã thu hút được một lượng lớn khách hàng mới, ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Hiện tại trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 100 kg, có tháng cao điểm đạt 200 kg. HTX đang tiếp tục trau dồi kỹ năng xúc tiến thương mại, bán hàng trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

chuyen-doi-so-nam-dinh.png
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc ứng dụng chuyển đổi số và các kênh bán hàng trực tuyến

Nhờ những nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, Nam Định đã đạt được những thành quả tích cực. Tỷ trọng kinh tế số của Nam Định đạt 17% trong GRDP. Doanh thu từ các sàn thương mại điện tử chiếm 9% tổng mức bán lẻ, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Thời gian tới, các ngành chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại. Các sở ban ngành của tỉnh Nam Định cũng đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng và hiệu quả của việc xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Đặc biệt, Nam Định cũng đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành các sàn thương mại điện tử và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nam Định tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, phát triển thị trường nước ngoài, nhất là tập trung vào các hoạt động triển lãm chuyên ngành có tính quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, tăng cường năng lực xuất khẩu các ngành hàng tiêu biểu, chủ lực của tỉnh. Việc hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các tập đoàn phân phối quốc tế, phát triển giao dịch trên các sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước cũng được chú trọng quan tâm nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO