Nam Định đưa quy mô kinh tế trở thành cực phát triển của Đồng bằng sông Hồng

MINH HUỆ 23/03/2023 01:14

Thời gian qua, Nam Định cùng 11 tỉnh, thành trong vùng đã góp phần đưa quy mô kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2/6 vùng của cả nước, khẳng định được vai trò của vùng kinh tế động lực.

>>>Nam Định: Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Kết quả đạt được

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của tỉnh Nam Định, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Kết quả thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Nam Định là rất đáng ghi nhận. Ban TVTU tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung của Nghị quyết.

Ông Phạm Gia Túcp/- Bí thư tỉnh Nam Định chia sẻ với các doanh nghiệp có SP OCOP (ảnh Viết Dư)

Ông Phạm Gia Túc - Bí thư tỉnh Nam Định chia sẻ với các doanh nghiệp có SP OCOP (ảnh Viết Dư)

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Tỉnh đã chú trọng thể chế hoá chủ trương Nghị quyết 54 lồng ghép vào một loạt nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo, lãnh đạo để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực nhằm cải thiện vị thế kinh tế. 

Chính vì thế từ xuất phát điểm không cao về nguồn lực đầu tư song với cách làm sáng tạo, chọn đúng khâu đột phá, tỉnh được Trung ương đánh giá cao về kết quả thực hiện chương trình xay dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, là một trong 2 tỉnh đầu tiên cả nước về đích xây dựng nông thôn mới; tiếp tục được lựa chọn làm điểm giai đoạn 2021-2026.

Tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển 2 vùng kinh tế có vai trò động lực, làm “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả tỉnh là vùng kinh tế biển và phát triển thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ tiểu vùng Nam ĐBSH.

Thành phố Nam Định đã sớm hoàn thành mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, diện mạo đô thị có sự thay đổi rõ rệt với các công trình hạ tầng, cảnh quan như: Khách sạn Nam Cường, tổ hợp Trung tâm thương mại và nhà ở Nam Định Tower, tổ hợp Khách sạn thông minh và trung tâm thương mại Nam Định, Khu đô thị Dệt may tại vị trí Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định cũ, xây dựng cầu thứ tư qua sông Đào...

Một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố đã khẳng định được vị thế quy mô vùng Nam ĐBSH và từng bước vươn lên đứng trong “tốp” đầu của cả nước. Kinh tế biển dần trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% GRDP của tỉnh. Khu kinh tế biển đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như Công ty TNHH Top Textiles tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký đầu tư là 203 triệu USD, Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư chuỗi dự án thuộc Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng.

Phối cảnh cầu qua sông Đào TP. Nam Định tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng được khởi công ngày 15/10/2022 và dự kiến năm 2024 đi vào hoạt động

Phối cảnh cầu qua sông Đào TP. Nam Định tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng được khởi công ngày 15/10/2022 và dự kiến năm 2024 đi vào hoạt động

Tư duy về liên kết vùng trong công tác hoạch định cũng như triển khai thực hiện chính sách phát triển của tỉnh cũng được thúc đẩy. Giai đoạn 2005-2020, tỉnh đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các công trình có quy mô kết nối và giải quyết các vấn đề liên vùng. Đây là những công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không có khả năng huy động xã hội hóa, song rất quan trọng trong việc tạo kích thích thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển. Các dự án được bố trí từ nguồn vốn này được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, vốn đầu tư công được tập trung bố trí cho 2 dự án phục vụ hợp tác, liên kết vùng là dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh.

…khắc phụ hạn chế

Tuy đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong thực hiện nhiệm vụ góp sức phát triển vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) của tỉnh còn hạn chế. Do vậy, cần nhận diện đầy đủ khó khăn, bất cập; xây dựng chủ trương, định hướng mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nội lực của tỉnh cũng như gia tăng mối liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong cả vùng. 

Theo UBND tỉnh, do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn thuộc loại nhỏ, chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao nên chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chưa tạo được sự đột phá lớn để rút ngắn khoảng cách phát triển với một số tỉnh trọng điểm trong vùng. V thế của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn.

Mặc dù kinh tế tỉnh đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong suốt giai đoạn 2016-2020, bình quân đạt 7,11%/năm, cao gấp 1,19 lần cả nước (cả nước tăng 5,99%/năm), nhưng vẫn thấp so với mức bình quân chung của khu vực 8,23%/năm, xếp thứ 9/11 trong vùng. 

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND trao quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy Thép xanh số 1 cho đại diện Tập đoàn Xuân Thiện (ảnh Viết Dư)

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND trao quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy Thép xanh số 1 cho đại diện Tập đoàn Xuân Thiện (ảnh Viết Dư)

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh. Khu vực công nghiệp, động lực phát triển của nền kinh tế thì chưa có doanh nghiệp chủ lực trong sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà mới tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động.

Các ngành dịch vụ chất lượng cao quy mô còn nhỏ, phát triển du lịch, kinh tế biển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo ra được sự đột phá. Cơ cấu kinh tế tuy có thay đổi theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn còn cao. Chưa có nhiều ngành sản xuất công nghiệp mang hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn. Ngành dịch vụ chiếm 34,9%, thấp hơn bình quân chung của vùng (43,4%), xếp thứ 4/11 trong vùng; một số ngành dịch vụ mang tính chất động lực của nền kinh tế như tài chính - tín dụng, viễn thông, công nghệ thông tin còn chiếm tỷ trọng thấp. Tỉnh cũng chưa phát huy hết các giá trị văn hóa tại địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.  Ngoài ra, cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 54/NQ-TW còn thiếu, chưa đồng bộ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong đánh giá tổng thể các hạn chế của cả vùng đã nêu rõ: “Trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn. Nguyên nhân quan trọng ở kết nối hạ tầng, nhất là giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn trong khi Nam Định chưa tăng tốc phát triển giao thông đối ngoại, kết nối hạ tầng khu vực ven biển chưa thuận lợi nên chưa khai thác hiệu quả, tiềm năng kinh tế biển, liên kết vùng còn hạn chế”.

Bên cạnh đó, chất lượng cải cách thủ tục hành chính và hoạt động theo cơ chế “một cửa” ở một số đơn vị chưa tốt, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chỉ số về cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố còn hạn chế.

Ngoài những hạn chế, bất cập nội tại được tỉnh chủ động nhận diện, tại hội nghị tổng kết 17 năm phát triển vùng ĐBSH theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị, các địa phương trong vùng đều thống nhất đánh giá: Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Bên cạnh một số điểm sáng như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh thì việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung cho xuất khẩu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng vùng chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ; hạ tầng du lịch còn yếu; hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ. Thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn. Phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

SX công nghiệp tài tỉnh Nam Định (ảnh báo Nam Định)

SX công nghiệp tài tỉnh Nam Định (ảnh báo Nam Định)

Thời gian qua, sự nỗ lực của Nam Định cùng 11 tỉnh, thành phố trong vùng đã góp phần đưa quy mô kinh tế của vùng ĐBSH đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước. Khẳng định được vai trò của vùng kinh tế động lực, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tuy nhiên để Nam Định trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng Nam Định cần khai mở không gian phát triển mới, mạnh mẽ, toàn diện với những đột phá, mới có thể đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao tỉnh Quảng Nam đính chính quy hoạch tại dự án Cầu Hưng – Lai Nghi?

    Vì sao tỉnh Quảng Nam đính chính quy hoạch tại dự án Cầu Hưng – Lai Nghi?

    09:16, 13/03/2023

  • Nam Định: Tăng cường kiểm tra chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ

    Nam Định: Tăng cường kiểm tra chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ

    00:06, 12/03/2023

  • Làng chài Hải Lý (Nam Định) trong con mắt của những “kẻ sĩ”

    Làng chài Hải Lý (Nam Định) trong con mắt của những “kẻ sĩ”

    01:30, 11/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định đưa quy mô kinh tế trở thành cực phát triển của Đồng bằng sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO