Chuyển đổi số

Nam Định: Quyết tâm chuyển đổi số toàn diện

Lê Cường 17/05/2025 00:30

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã nỗ lực quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Nỗ lực đứng đầu

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ các ban, ngành trong tỉnh và liên tục có những sáng kiến đổi mới, tỉnh Nam Định ghi nhận với nhiều chỉ số đứng đầu toàn quốc. Theo báo cáo Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 do Bộ Nội vụ mới công bố, Nam Định là địa phương dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số năm 2024 với điểm chỉ số đạt mức 95,99%, cao hơn 5,24%, tăng 6 bậc so với năm 2023.

Đây là kết quả quá trình nỗ lực quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền. Chỉ số Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử là chỉ số thành phần thứ 7 trong Bộ chỉ số CCHC cấp tỉnh đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước.

1.png
Chính quyền số Nam Định năm 2024 với điểm chỉ số đạt mức 95,99%, cao hơn 5,24%, tăng 6 bậc so với năm 2023 (Ảnh Báo Nam Định)

Theo UBND tỉnh Nam Định: Để Nam Định có những chuyển biến mạnh mẽ trong xếp hạng mức độ chuyển đổi số, những năm qua toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tại Nam Định đã nỗ lực thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện. Nhiệm vụ này được thực hiện với quyết tâm cao, có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, sản phẩm cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, kiểm điểm thường xuyên, đôn đốc kịp thời và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số của Chính phủ.

Cụ thể, năm 2024 Nam Định nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết tâm giữ vững những kết quả tích cực và tập trung khắc phục những chỉ số thành phần chưa đạt điểm tối đa và những hạn chế trong thời gian trước, xuất sắc trở thành địa phương đứng đầu toàn quốc.

Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ quan Nhà nước; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp được tập trung cao độ, đẩy nhanh các dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình lên Cổng DVC quốc gia để cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Chỉ số thành phần về Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử được coi là thước đo quan trọng đối với kết quả của công tác chuyển đổi số cũng như kết quả CCHC của địa phương.

Để giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc về chỉ số này, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư phát triển các chỉ số quan trọng như: Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Trong đó, tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho các cấp, các ngành trong tỉnh… nhằm mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao thứ hạng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ưu tiên phát triển hạ tầng thanh toán số hiện đại

Với quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng về chuyển đổi số để phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Qua đó, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Tỉnh đã đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng hệ thống chính quyền điện tử, ứng dụng TTKDTM và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn.

Các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm kết nối phục vụ TTKDTM và các dịch vụ trung gian thanh toán: hạ tầng kết nối mạng internet, phủ sóng di động; hạ tầng nền tảng tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu và kết nối liên thông với các hệ thống khác; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

2(1).png
Nam Định đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số (Ảnh Báo Nam Định)

Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 trạm BTS. Trong đó, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử, ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với ngành thuế, hải quan, BHXH... Ngoài ra hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp đang triển khai sử dụng các nền tảng số khác, như: nền tảng quản trị nhân lực, nền tảng quản lý tài chính, kế toán...

Năm 2024, Nam Định có tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 52,96%; đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Nam Định đã cung cấp 100% thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến và niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 52,96% là dịch vụ công TTTT, còn lại là dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện bằng hình thức trực tuyến đạt trên 96%. Thanh toán trực tuyến đạt gần 90% và số hóa hồ sơ, kết quả đạt gần 80%.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, của hệ thống ngân hàng tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các ngân hàng thương mại đã đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ có thể tiếp cận khách hàng qua kênh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng. Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật.

Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Đến nay, trên địa bàn có 241 ATM và 874 POS được lắp đặt ở 754 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như Công ty Điện lực; Công ty Cổ phần Nước sạch; các cơ sở y tế, giáo dục... tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu TTKDTM.

Đến hết năm 2024, số lượng tài khoản còn hoạt động trên địa bàn đạt hơn 2 triệu tài khoản. Doanh số thanh toán thẻ trong năm 2024 đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2025, doanh số TTKDTM trên địa bàn tỉnh đạt hơn 141 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần đã phát hành thêm được hơn 789 nghìn thẻ trong quý I/2025. Qua đó góp phần tăng thêm tỷ trọng kinh tế số của tỉnh chiếm đến 15% GRDP.

Với việc ưu tiên phát triển hạ tầng thanh toán số hiện đại, cộng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Định đã ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước, hạ tầng số được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong đó tỉnh Nam Định được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những điểm sáng về triển khai thương mại điện tử, hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt khoảng 9%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Quyết tâm chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO