Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản, nhất là vi phạm về khai thác IUU.
Nâng cao nhận thức
Hiện nay toàn tỉnh có 1.746 tàu cá với gần 5.400 lao động khai thác thủy sản. Với sự nỗ lực vươn khơi và ứng dụng công nghệ trong khai thác, theo thống kê của Sở NN và PTNT trong 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng khai thác của tỉnh ước đạt trên 50,82 nghìn tấn, đạt 83,31% kế hoạch. Trong đó khai thác biển đạt 48,48 nghìn tấn, khai thác nội địa đạt 2.342 tấn.
Để phát triển thủy sản bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng tập trung đầu tư, huy động nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản. Thành lập thêm các tổ, đội, tổ hợp tác khai thác thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Những điểm mới của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức 4 lớp tập huấn với 815 ngư dân và cán bộ làm công tác chống khai thác IUU các huyện ven biển tham gia. Phát 815 bộ tài liệu tuyên truyền gồm: sổ tay đi biển cho ngư dân. Sổ tay một số điều ngư dân cần biết trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Tờ rơi nhóm hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP). Treo 9 pa-nô tuyên truyền chống khai thác IUU và các nội dung theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại các cảng cá, bến cá và các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh…
Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra tại khu vực các cửa sông ra biển và vùng biển tỉnh Nam Định để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm khai thác thủy sản.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, để triển khai có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU. Kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm khai thác IUU.
Bà Nguyễn Thị Anh - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cho biết: Hàng năm, Thanh tra Sở đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nội dung kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, trang thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ. Các điều kiện đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu cá; đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác IUU góp phần từng bước tháo gỡ thẻ vàng EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Tăng cường
Nam Định với 72km bờ biển trải dài qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng cùng vùng biển rộng khoảng 6.108km2 và hệ thống sông ngòi dày đặc, từ lâu khai thác thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vì sự phát triển bền vững của ngành kinh tế thủy sản, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong 10 tháng năm 2024, Thanh tra Sở đã phối hợp với Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản như: biển số, vạch phân vùng hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, sổ thuyền viên, giấy phép khai thác thủy sản, nhật ký khai thác, chứng chỉ hành nghề khai thác thủy sản; trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị thông tin liên lạc; hoạt động nghề cấm khai thác thủy sản, khai thác không báo cáo và không theo quy định trên vùng biển, cửa sông tỉnh Nam Định.
Qua kiểm tra 535 lượt phương tiện, đoàn kiểm tra đã phạt hành chính 65 trường hợp vi phạm quy định về: tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản, máy trưởng tàu cá không có chứng chỉ theo quy định, không thông báo thông tin cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời cảng. Không treo Quốc kỳ trên tàu cá khi hoạt động, không ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m.
Không viết số đăng ký tàu cá theo quy định, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn, không có số danh bạ thuyền viên tàu cá, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định. Thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước 292 triệu đồng và tịch thu 6 củ phát điện, 82 mét dây điện.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở đã phối hợp với Chi cục Thuỷ sản, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp vi phạm quy định về việc không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong quá trình hoạt động trên biển. Khai thác thủy sản sai vùng; không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định, không thông báo đầy đủ các thông tin cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời cảng cá, không thực hiện đăng ký sang tên chủ tàu cá đúng thời hạn với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước 155,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng có thời hạn đối với 3 cá nhân.
Theo bà Nguyễn Thị Anh, trong quá trình kiểm tra, bên cạnh việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, các đoàn còn tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản góp phần nâng cao ý thức chấp hành, chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sẩn trên địa bàn tỉnh.
Khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển bền vững được coi là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Nam Định. Thời gian tới, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiệu quả truyền thông làm thay đổi nhận thức của cán bộ, ngư dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi khai thác IUU theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là các hành vi vi phạm về IUU xảy ra phổ biến như trên nhằm đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nền nếp.