Lo cho tương lai con em làm sao đừng bế tắc vì bằng cấp, việc làm; nỗi lo nạn bạo lực học đường; nỗi lo những vết bẩn làm hoen ố tà áo trắng học trò.
Đúng ngày này cách đây hơn chục năm, thế hệ của tôi và bạn bè cùng trang lứa bước vào mùa khai giảng cuối cùng, sau năm học cuối cấp cộng thêm một kỳ thi gay cấn, nếu vượt vũ môn thành công chúng tôi được gọi là “tú tài”.
Mác tú tài là tấm vé thông hành bước tiếp trên con đường hướng đến tương lai, ngày đó việc học vốn thuần túy, chưa bị xao nhãng bởi nỗi ám ảnh có thể bị… bổ sung vào đội quân thất nghiệp có bằng cấp ngày càng tăng!
Thế hệ 8x, với nhiều người, tấm bằng tú tài, thậm chí cả bằng đại học, thạc sĩ không còn nhiều ý nghĩa đảm bảo cho tương lai xán lạn. Vì đâu? Nguyên nhân được mổ xẻ nhiều năm ròng rã, dừng học văn hóa để học nghề? Gác lại giấc mơ đại học đi xuất khẩu lao động…? Thiệt hơn ra sao còn phụ thuộc vào số phận từng người.
Hôm nay (5/9) gần 22 triệu học sinh cả nước chính thức tựu trường bước vào năm học mới, gọi là lễ khai giảng - vốn là ngày hội của ngành giáo dục, cảm xúc cũ nhưng nỗi lo mới.
Có thể bạn quan tâm
|
Phương - một cô bé có vẻ già hơn tuổi mười bảy, mấy tháng hè chẳng mấy thong thả, con bé phải giúp bố mẹ công việc đồng áng kiếm thêm đồng mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.
Nhưng Phương không còn nguyện vọng trở thành tú tài như chúng bạn cùng trang lứa, lý do đơn giản thôi - Phương sợ thất nghiệp! Học rồi không biết có xin được việc làm hay không, vả lại hàng xóm nhà Phương cũng có vài “tấm gương” gác bằng đại học vào tận Miền Nam kiếm sống.
Con bé muốn đi làm… công nhân may, trước mắt giúp đỡ ba mẹ, nhường “chỗ” các em tiếp tục học; tích lũy ít vốn liếng rồi kiếm lấy cái nghề.
Tôi thật không vui khi biết câu chuyện của Phương, tuổi mười bảy cô bé quá già dặn so với bạn bè. Rút cục cũng vì cơm gạo áo tiền và chí hướng tương lai vùi dập quãng đời con gái đẹp nhất.
Xã hội trọng bằng cấp sẽ xem Phương là người... thất học? Hàng trăm ngàn tấm bằng đại học, sau đại học nằm chờ mối ăn trong ngăn tủ, nhưng xã hội thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng. Đó là bài toán chưa có lời giải.
Không có tấm bằng tú tài, không biết Phương xoay xở thế nào khi mà đâu đâu cũng yêu cầu mảnh bằng này. Giữa vòng xoáy thất nghiệp con đường của Phương xem ra rất thức thời, không thiếu những người nổi tiếng thành công rực rỡ mà không cần tấm bằng lận lưng.
Dẫu sao Phương vẫn cố gắng quyết định tương lai của mình, không thụ động trông chờ vào may rủi hên xui sau nhiều năm nữa đi học, Phương không chọn ngôi trường ngói đỏ, không chọn vinh thân bằng chữ nghĩa.
Trong khi hàng chục triệu học sinh nô nức tựu trường, Phương chọn cho mình ngã rẽ hoàn toàn khác, sự học dở dang, bộ hồ sơ xin việc chưa viết xong…nhưng tôi tin em sẽ thành công bằng bản lĩnh và hướng đi “ngược gió”.
Nền giáo dục sính bằng cấp, lý lịch vẫn còn đó những bất cập, con đường mòn “cao đẳng, đại học” ngày càng trở nên chật chội, dường như thiếu hẳn định hướng để hàng triệu ước mơ đến đích khác nhau.
Một năm học mới lại hiện về nỗi lo cũ, nỗi lo cho tương lai con em làm sao đừng bế tắc vì bằng cấp, việc làm; nỗi lo nạn bạo lực học đường; nỗi lo những vết bẩn làm hoen ố tà áo trắng học trò.