Là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng kết quả kinh doanh lại không mấy khả quan đã khiến việc cổ phần hóa Vinafood 2 trở thành vấn đề nan giải.
Việc Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối tại Vinafood 2 sau cổ phần hóa cho thấy, chính sách an ninh lương thực quốc gia luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây cũng có thể sẽ là điểm nghẽn khiến cho hoạt động kinh doanh của đại gia ngành lúa gạo này của Việt Nam khó mà bứt phá.
"Chốt" phương án cổ phần hóa
Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ngành lúa gạo Việt Nam. Trong một thời gian dài, thông qua doanh nghiệp này, Nhà nước thực hiện các chính sách giữ ổn định giá thu mua lúa cho nông dân, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”. Trên thị trường quốc tế, Vinafood 2 giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt.
Sau nhiều lần trì hoãn, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) vừa được phê duyệt phương án cổ phần hóa theo hình thức bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam thực hiện cổ phần hóa theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Thời gian bán cổ phần được thực hiện sau 3 tháng khi Quyết định cổ phần hoá được phê duyệt và có hiệu lực (khoảng đầu tháng 4/2018).
Vốn điều lệ của công ty được xác định là 5.000 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm 255 triệu cp, chiếm 51 %vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai lần đầu cho các nhà đầu tư (IPO) thông thường 114.8 triệu cp, chiếm 23% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 5 triệu cp, chiếm 1 % vốn điều lệ; cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cp, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125 triệu cp, chiếm 25% vốn điều lệ. Giá khởi điểm khi đấu giá là 10.100 đồng/ cổ phần.
Theo thư mời Vinafood gửi các nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tối thiểu 3.500 tỷ đồng đồng thời có lãi sau thuế 3 năm liên tiếp và ko có lỗ lũy kế đến hết năm 2015. Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cùng tổng công ty tái cơ cáu nông nghiệp thực hiện liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.
Nan giải cổ phần hóa
Suốt chiều dài hoạt động, mạng lưới các doanh nghiệp con, liên kết của Vinafood 2 lên đến con số 22 đơn vị. Hiện Vinafood 2 đang phải đối mặt với quá trình thoái vốn cực kỳ phức tạp, cũng như không dễ dàng xử lý các khoản nợ xấu nằm ở các công ty này. Mặc dù, gần như là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng kinh doanh của Vinafood 2 lại không mấy khả quan.
Theo báo cáo đến cuối tháng 6/2017, công ty có tổng tài sản 8.799 tỷ đồng và khoản vay nợ dài hạn 3.770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là 3.885 tỷ đồng và lỗ lũy kế 912 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017 công ty lỗ 118 tỷ đồng. Trong khi cả năm 2016 công ty lãi 156 tỷ đồng và năm 2015 lãi 136 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân thua lỗ kéo dài, lãnh đạo Vinafood 2 cho biết thị trường xuất khẩu gạo gặp sự cạnh tranh khốc liệt và biên lợi nhuận ngày càng thấp cùng với đó, việc đầu tư tràn lan ngoài ngành, ngoài chức năng với cả ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản từ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cho đến thức ăn và kết quả là lỗ rất nặng. Bên cạnh đó, các công ty con đang góp phần vào các khoản lỗ lớn do quá trình kinh doanh làm mất vốn, quản lý nợ lỏng lẻo dẫn đến nợ xấu tăng cao. Một số công ty kinh doanh không tính đến nhu cầu thị trường, khiến hàng tồn kho cao, gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng giải quyết nợ đến hạn, gây áp lực thanh toán. Dù đã nỗ lực thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành, các công việc làm ăn không hiệu quả nhưng kết quả kinh doanh của Vinafood 2 cũng không mấy cải thiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia kiểm toán, một trong những tồn tại lớn nhất của Vinafood 2 là công tác quản lý công nợ phải thu chưa chặt chẽ, năng lực quản lý và điều hành của một số DN trực thuộc còn nhiều hạn chế, phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ đến hạn, gây áp lực thanh toán cho Cty mẹ.
Về những ồn ào thời gian qua liên quan đến đất đai thuộc quyền sở hữu, thuê lâu dài từ Nhà nước của Vinafood 2, tháng 7/2017 Bộ NN-PTNT tiến hành thanh tra đột xuất tại Vinafood 2 và phát hiện nhiều sai phạm, khuyết điểm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất trái với quy định
Cụ thể, kết luận chỉ rõ từ năm 2014 đến thời điểm thanh tra, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất ở tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh sai quy định với tổng giá trị tài sản đã bán hơn 114 tỉ đồng. Hơn nữa, Vinafood 2 đã tự tính số tiền chuyển nhượng sau khi trừ các chi phí, số còn lại tạm nộp vào tài khoản của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cũng sai.
Cũng theo kết luận thanh tra, đối với dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê (tại 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), tổng giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung nghị quyết của hội đồng thành viên (HĐTV) tổng công ty. Thỏa thuận giữa hai bên là trái với văn bản của Bộ NN&PTNT và trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại các địa chỉ trên.
Theo đó, số tiền chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỉ đồng lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Như vậy, nếu thực hiện theo đúng thỏa thuận trên thì ngân sách bị thất thoát 80%, tương đương trên 54 tỉ đồng.
Hiện Chính phủ, Thủ tướng đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, theo tinh thần những lĩnh vực mà thị trường, doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn thì để khối doanh nghiệp tư nhân làm để bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một điều chắc chắn, sau CPH chính sách kinh doanh của Vinafood 2 sẽ thay đổi theo hướng sòng phẳng và đúng nghĩa hơn bởi nó có sự tham gia đóng góp của các cổ đông ngoài nhà nước. Do ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi nhuận của các cổ đông nên mọi phương án kinh doanh của Vinafood 2 phải được cân nhắc kỹ càng hơn chứ không phải chỉ nhắm vào những mục tiêu khác nữa. Đồng thời sau CPH sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh của Tcty, từ DNNN kinh doanh nửa vời (kinh doanh không quan tâm lỗ lãi) chuyển sang kinh doanh cạnh tranh thực sự theo cơ chế thị trường...