Nan giải tỷ giá

Hà Anh 15/10/2018 11:01

Mặc dù VND đang giảm so với USD, nhưng mức giảm này không thấm vào đâu so với các đồng tiền trong khu vực. Điều này đặt ra thách thức cho NHNN trong điều hành tỷ giá.

So với cuối năm 2017, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,3%. Trong khi tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng 2,8%, còn tỷ giá trên thị trường tự do tăng 3,3%.

p/Diễn biến tỷ giá VND/USD trong 8 tháng đầu năm 2018.

Diễn biến tỷ giá VND/USD trong 8 tháng đầu năm 2018.

Áp lực tiếp tục gia tăng

Sau một thời gian tạm thời “nằm im”, đồng USD trên thị trường thế giới lại “trỗi dậy” sau khi FED tăng lãi suất cơ bản lần thứ 3 trong năm nay vào ngày 26/9 vừa qua, đồng thời dự báo có thể tăng tiếp 1 lần nữa trước khi kết thúc năm và tăng thêm 3 lần nữa trong năm tới. Đà tăng của USD càng mạnh hơn nhờ việc Mỹ đã ký kết Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) với Mexico và Canda, thay cho NAFTA.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá

    Giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá

    11:10, 24/09/2018

  • Áp lực tỷ giá không lớn

    Áp lực tỷ giá không lớn

    11:01, 22/09/2018

  • “Sóng” tỷ giá cuối năm không quá lớn

    “Sóng” tỷ giá cuối năm không quá lớn

    11:01, 02/09/2018

  • Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách nào?

    Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách nào?

    11:01, 31/07/2018

  • NHNN chưa cần can thiệp tỷ giá VND/USD

    NHNN chưa cần can thiệp tỷ giá VND/USD

    15:27, 30/07/2018

Theo đó, có thời điểm USD Index đã tăng lên tới 95,78 điểm, mức cao nhất trong 1 tháng qua và hiện vẫn đang ở trên mức 95 điểm. Tính từ sau khi FED tăng lãi suất, USD Index đã tăng 1,4%.

Trái ngược với diễn biến của USD, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc lại đang trên đà giảm mạnh, nhất là sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm nay. Hiện CNY đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý là 6,9 CNY/USD. Nhiều tổ chức còn dự báo, CNY sẽ tiếp tục giảm xuống mức 7 CNY/USD vào cuối năm nay.

Diễn biến trái chiều của đồng tiền của 2 đối tác thương mại lớn đối với Việt Nam đang tác động đến tỷ giá trong nước theo cùng một hướng: tỷ giá VND/USD tăng. Trong phiên ngày 10/10, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 22.721 VND/USD, cao hơn tới 6 đồng so với thời điểm trước khi FED tăng lãi suất. Tỷ giá tại các NHTM cũng tăng. Hiện giá mua– bán USD của Vietcombank được niêm yết ở mức 23.310- 23.390 VND/USD; tại BIDV là 23.315 - 23.395 VND/USD… Trong khi giá USD tại chợ đen được niêm yết ở mức 23.450 – 23.470 VND/USD.

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của HSBC Việt Nam, áp lực lên tỷ giá VND/USD vẫn còn lớn khi FED cho thấy lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc. Áp lực này sẽ cộng hưởng hay giảm nhẹ phụ thuộc nhiều vào biến động của CNY. “Chính sách tiền tệ thắt chặt của FED và CNY yếu hơn sẽ tiếp tục là thách thức chính đối với VND trong ngắn hạn”, ông Ngô Đăng Khoa nhận định.

Tiến thoái lưỡng nan

Mặc dù vậy, mức giảm nói trên của VND vẫn còn ít hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực, như đồng rupee của Ấn Độ (INR) giảm 14%, đồng rupiah của Indonesia (IDR) giảm 8%, CNY giảm hơn 11%... Tuy nhiên điều đó vô hình chung lại đang khiến VND tăng giá so với các đồng tiền này, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt việc CNY mất giá mạnh khiến cán cân thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến khuyến nghị NHNN nên phá giá VND tương đương với mức giảm của các đồng tiền trong khu vực để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối đề xuất này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tại thời điểm này, việc giá phá VND là chưa cần thiết. Tuy nhiên, nếu từ nay tới cuối năm, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang mạnh mẽ hơn, CNY tiếp tục giảm giá thì có lẽ NHNN cũng phải giảm giá VND so với USD khoảng 1,5% để bù trừ cho việc CNY phá giá với USD.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương cho rằng: “Chúng ta tự ghè chân mình nếu phá giá VND bởi việc điều chỉnh tỷ giá không phải lúc nào cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, trong khi việc phá giá VND có thể khiến Việt Nam gặp phải tình trạng “nhập khẩu lạm phát”. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc CNY mất giá cũng làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn (khi quy ra VND). Do chi phí đầu vào giảm, hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba.

Ông Ngô Đăng Khoa cũng đồng tình cho rằng, việc VND mất giá quá nhanh sẽ mang lại nhiều bất lợi về tính ổn định cho nền kinh tế như hiệu ứng lan tỏa lên kỳ vọng lạm phát; giảm triển vọng tái đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kìm hãm niềm tin nhà đầu tư và dòng vốn FDI...

Trên thực tế, động thái điều hành của NHNN đang cho thấy cơ quan này muốn duy trì ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá khi tiếp tục bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Vừa qua, các NHTM đã mua 600 triệu USD từ NHNN và có thể sẽ tiếp tục mua thêm trong vài ngày tới.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận áp lực tỷ giá những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn, đây là bài toán khó giải đối với NHNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nan giải tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO