Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Ngày 6/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị để tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
>>Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta thấy rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, không ngừng tìm kiếm giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến trong mùa dịch.
Con số những doanh nghiệp thành công ngày càng tăng đạt được doanh thu trực tuyến cao và phần lớn các doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày nay đã trở thành phương thức mô hình kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ rất hiệu quả, bền vững đến các khách hàng quốc tế thông qua hình thức online: Website, cửa hàng trực tuyến hay các sàn thương mại điện tử.
Việc tham gia kênh phân phối thương mại điện tử quốc tế thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, tiếp cận thị trường xuất khẩu, giao thương kết nối và tiếp cận số lượng đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến một cách hiệu quả (Việt Nam đang được đánh giá là nước có số người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến lớn).
Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp cùng nhiều khó khăn và đòi hỏi phải có những hiểu biết, kỹ năng tốt để tham gia kênh phân phối này như: Vấn đề gian lận thanh toán, logistics, những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh những rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác….
Vì vậy, hội nghị là hoạt động thiết thực giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
>>COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh thương mại điện tử
Thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở Việt nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Nội dung của hội nghị tập trung cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp đồng bộ để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm... Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp từ các sàn thương mại điện: Amazon; sàn thương mại điện tử Shopee International; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, DP Express hay lãnh đạo Tập đoàn Sunhouse ...
Đặc biệt, hơn đại diện của hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội được cung cấp kiến thức bao gồm: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vận hành trên sàn thương mại điện tử AMAZON; Giải pháp tài chính toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần tận dụng những tiềm năng của thị trường amazon với sự phủ sóng 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Do đó khi bán hàng trên amazon, doanh nghiệp có thể tiếp cận tệp khách hàng trên các thị trường của amazon lên tới con số 300 triệu. Đặc biệt, amazon có 200 triệu khách hàng thành viên trả phí prime trên toàn cầu với mức tiêu dùng và ưu đãi của họ rất lớn. Mặt khác, hiện nay sàn amazon cũng tập trung phát triển cho nhà bán hàng thứ 3 từ quốc gia khác như từ Việt Nam,Trung Quốc. Hiện nay có 1,9 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trên amazon với doanh số lợi nhuận rất lớn đến từ bên thứ 3 này.
Các đại biểu cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thành công trong thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như kiến thức chuyên ngành về xuất khẩu, cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực.
Chương trình cũng là cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của mình.
Có thể bạn quan tâm
14:10, 06/10/2022
14:22, 06/10/2022
04:00, 01/10/2022
14:46, 30/09/2022
11:00, 30/09/2022