COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và hệ thống quản trị của doanh nghiệp bị thay đổi, buộc doanh nghiệp phải thích ứng và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết năm nay, với mong muốn đa dạng hơn nữa chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp-BCI” và giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về xu thế quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn mới, VCCI và các đơn vị thực hiện quyết định tổ chức (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) thêm phần tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế về vấn đề nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Có thể nói năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức khi cả thế giới đang trong đại dịch COVID-19, thế giới có sự phân tách nhất định và phẳng hơn rất nhiều so với trước đây.
TS. Phan Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc cho biết, do COVID-19, người tiêu dùng sống trên mạng nhiều hơn, chính sách phi biên giới được áp dụng, hoạt động của doanh nghiệp cũng như hệ thống quản trị đã được số hoá. Vì vậy, cấu trúc hoạt động, quản trị doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn trong năm 2020.
“Các doanh nghiệp cần đi tắt đón đầu trong số hóa tất cả các hoạt động của mình để làm sao tinh gọn lại các quy trình và cắt giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới”, TS. Phan Long nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo cấu trúc kim tự tháp đã trở nên thay đổi. Đơn cử, các doanh nghiệp không cần quá nhiều phòng ban, các giám đốc doanh nghiệp có thể giao tiếp, làm việc trực tiếp với các nhân sự từ “tuyến đầu”, từ đó rút ngắn thời gian ra quyết định.
Thực tế trên đã được áp dụng rất có hiệu quả ở Viettel Post khi doanh nghiệp này có thể điều hành từ cấp cao nhất đến các cấp địa phương, với hơn 22.000 nhân viên ở khắp 63 tỉnh thành, giúp việc quản trị trở nên sâu sát hơn.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhất là trong bối cảnh COVID-19, các doanh nghiệp không thể hoạt động theo mô hình cũ, mà cần phải thay đổi trên mọi phương diện, từ minh bạch hoá thông tin đến ứng dụng công nghệ cao trong vận hành doanh nghiệp.
“Xuất phát từ tiền đề phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần định hình cơ sở 3 trụ cột: kinh tế, con người và môi trường. Ngoài ra, yếu tố văn hoá doanh nghiệp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điển hình là tại Traphaco, văn hoá doanh nghiệp đã giúp Traphaco phát triển mạnh mẽ hơn, giúp nhân viên vượt qua mọi trở ngại và thách thức”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng để quản trị doanh nghiệp tốt trong bối cảnh mới, các nhà quản lý doanh nghiệp cần tập trung 3 vấn đề: Thứ nhất là quản trị rủi ro; Thứ hai là định vị lại phương pháp tiếp cận thị trường trong nước và thế giới; Thứ ba là định vị lại phương pháp chiến lược vốn, chi phí để thu hẹp lại, sử dụng tối đa các nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.
“Dù doanh nghiệp có nhiều vốn nhưng không biết cách quản trị sẽ để lại hậu quả trong tương lai. Cùng với đó có những chi phí trước đây là cố định, nhưng hiện tại đã thành chi phí biến đổi như chi phí chuyên gia, chi phí mặt bằng... Do đó, các doanh nghiệp cần định hình lại các nguồn lực của mình để sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất”, TS. Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh.
Dù mọi yếu tố nói trên được cải tiến, đổi mới, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần thay đổi trong vai trò của người dẫn đầu để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, văn hoá doanh nghiệp sâu sắc hơn... Có như vậy, doanh nghiệp mới trụ vững và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm
BCI - “Hàn thử biểu” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
14:25, 10/12/2020
TRỰC TIẾP: Chương trình “Đánh giá Năng lực hoạt động Doanh nghiệp – BCI"
14:00, 10/12/2020
BCI - “Chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
11:56, 10/12/2020
Minh bạch hoá giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn
16:17, 10/12/2020
3 trụ cột quản trị doanh nghiệp cần định hình lại trước COVID-19
15:56, 10/12/2020
TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam
Chương trình BCI năm nay đã được nâng cao hơn một bước nữa là đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đặc biệt từ đánh giá này, chúng tôi mong muốn sẽ hướng tới đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí của OECD, cộng với thiết lập lại bộ máy, quy trình, quy tắc... để làm sao năng lực quản trị của doanh nghiệp trên tất cả các mặt được nâng cao hơn nữa.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco
Điểm cạnh tranh đỉnh cao của doanh nghiệp là cạnh tranh bằng thương hiệu, cạnh tranh bằng phát triển bền vững. Chiến lược này đã mang lại lợi thế lớn cho Traphaco, giúp thương hiệu Traphaco được khẳng định và tạo uy tín. Nhờ đó, Traphaco vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 12% trong 10 tháng đầu năm nay. Bởi thực tế, khi bối cảnh khó khăn phải cắt giảm chi tiêu, người tiêu dùng sẽ lựa chọn doanh nghiệp uy tín, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post
Quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn mới của công ty đang đi theo hướng minh bạch hoá từ thông tin, dịch vụ, cách thức cung cấp sản phẩm đến người sử dụng. Đồng thời, minh bạch hoá cũng giúp nội bộ doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, trong đó, áp dụng việc giao khoán công việc với các phòng ban, nhân viên và số hoá mọi hoạt động, tạo ra sự minh bạch hơn trong quản trị doanh nghiệp.