Năng suất của châu Á cần “cú hích” số hoá

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 11/01/2023 00:30

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ và thu hẹp khoảng cách số giúp châu Á thúc đẩy sản lượng kinh tế và năng suất tổng hợp.

>>Doanh nghiệp kiểm toán phá bỏ mọi rào cản với chuyển đổi số

Bà Antoinette Monsio Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh tại Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất" do IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, ngày 10/1.

Bà Antoinette Monsio Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: Nguyễn Việt

Bà Antoinette Monsio Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: Nguyễn Việt

Bà Antoinette M. Sayeh đánh giá, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau đại dịch đang dần mất đà do những yếu tố như điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cầu xuất khẩu giảm, sự giảm tốc sâu và bất thường ở Trung Quốc khiến cho triển vọng kinh tế trở nên “u ám”.

Châu Á trong vai trò đầu tàu về công nghệ số

“Nhìn chung, những vết sẹo sâu về kinh tế do đại dịch gây ra cũng như sự tăng trưởng năng suất mờ nhạt trong giai đoạn trước đại dịch đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực này”, bà Antoinette M. Sayeh bày tỏ.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, IMF vẫn nhận thấy một con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á – con đường chạy qua lãnh địa mà châu lục này vốn vẫn giữ vị trí tiên phong, đó chính là số hoá. Công nghệ số có thể gia tăng hiệu suất của cả khu vực tư lẫn khu vực công, mở rộng tài chính bao trùm, cải thiện tiếp cận giáo dục, mở ra các thị trường mới thông qua cho phép doanh nghiệp phục vụ các khách hàng ở xa.

Chẳng hạn, trong giai đoạn đại dịch, số hoá đã giúp phân bổ tốt hơn những nguồn lực quý giá về y tế và phúc lợi xã hội, cho phép cung cấp kịp thời các hỗ trợ giúp giảm nhẹ khó khăn và đồng thời vẫn duy trì được sự kiểm soát tránh thất thoát nguồn lực chi tiêu công. Số hoá cũng giúp hỗ trợ cho khả năng tự phục hồi trong đại dịch, kết hợp với các gói hỗ trợ tài khoá lớn đã đem lại sự bảo vệ cho người lao động, học sinh, sinh viên và doanh nghiệp.

>>Dự án Unicorn Launching hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho startup và SME

>>Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Vượt trở ngại tư duy

Lãnh địa số của châu Á đã nhanh chóng mở rộng trong những năm trở lại đây, bao trùm hàng loạt công nghệ mới đa dạng, từ tự động hoá trong sản xuất chế tạo đến các nền tảng thương mại điện tử, cho đến thanh toán số.

Từ con số 40% cách đây hai thập kỉ, châu lục này đã vươn lên nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính trong giai đoạn trước đại dịch. Châu Á, trong vai trò đầu tàu sản xuất chế tạo, giữ vị thế tiên phong toàn cầu trong lắp đặt robot công nghiệp. Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot nhiều nhất, chiếm khoảng 30% toàn thị trường.

Các tập đoàn Rakuten của Nhật Bản, Alibaba của Trung Quốc, và GoTo của Indonesia là những ông lớn trong thương mại điện tử,  với doanh thu sánh ngang với Amazon và Walmart. Sự tiên phong của Ấn Độ trong giải pháp hạ tầng số stacks (xếp lớp) đã biến quốc gia này thành một hình mẫu về cách thức kết hợp công nghệ thanh toán số và định danh để mở rộng tiếp cận tài chính.

Tầng lớp dân số trẻ đang gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số. Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng số hoá trong khu vực. Tỉ lệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa đã tăng mạnh trong thời gian đại dịch.

Chi tiêu cho thương mại điện tử cũng tăng mạnh, trong đó châu Á hiện chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của thế giới. Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40%–50%, một tốc độ tăng vượt trội phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

"Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi xu hướng dịch chuyển khỏi phương thức thanh toán bằng tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số thay thế, đặc biệt là thẻ trả trước và ví điện tử", bà Antoinette M. Sayeh bày tỏ.

Khoảng cách số đang kìm hãm sự tiến bộ

Vẫn theo bà Antoinette M. Sayeh, bất chấp những thành công đó, khoảng cách số ở châu Á đang kìm hãm sự gia tăng năng suất. Khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự không đồng đều lớn ngay trong mỗi quốc gia, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Nhân dịp bà Antoinette M. Sayeh - Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sang thăm Việt Nam, IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ công bố Báo cáo của IMF về

Nhân dịp bà Antoinette M. Sayeh - Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sang thăm Việt Nam, IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất". Ảnh: Nguyễn Việt

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nhiều rào cản đáng kể trong tiếp cận, sử dụng công nghệ số. Theo nghiên cứu mới của IMF, gần 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á cho biết khó khăn về nguồn vốn là một rào cản chính trong áp dụng công nghệ. Mức độ số hoá thấp và những khó khăn trong tiếp cận, áp dụng công nghệ mới đã khiến các doanh nghiệp này phải vật lộn để làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến trong thời gian đại dịch.

"Tốc độ lan toả công nghệ chậm chạp giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách công nghệ. Các hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý (bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ", bà Antoinette M. Sayeh nói.

Khoảng cách số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ví dụ, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ ¼ tổng dân số sử dụng Internet. Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập Internet chỉ ở mức vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Con đường chính sách

Việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành, và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Bà Antoinette Monsio Sayeh trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Nguyễn Việt

Bà Antoinette Monsio Sayeh trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Nguyễn Việt

Theo bà Antoinette M. Sayeh, nghiên cứu mới của IFM tập trung vào những cải cách cần thiết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và số hoá trên diện rộng nhằm tạo ra một cú huých cho năng suất tổng hợp và tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Các ưu tiên cải cách bao gồm:

Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ.

Nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Lễ công bố Báo cáo của IMF về

Các diễn giả tham dự Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất". Ảnh: Nguyễn Việt

Khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Châu Á đã sẵn sàng để tiếp tục dẫn đầu hoạt động đổi mới sáng tạo số. Việc tạo thuận lợi cho các ngành, doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận bình đẳng với công nghệ sẽ giúp châu lục này gặt hái đầy đủ những lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà công nghệ số đem lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp kiểm toán phá bỏ mọi rào cản với chuyển đổi số

    10:13, 07/01/2023

  • Dự án Unicorn Launching hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho startup và SME

    05:59, 06/01/2023

  • Doanh nghiệp chuyển đổi số từ lĩnh vực cốt lõi

    03:00, 06/01/2023

  • Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Vượt trở ngại tư duy

    04:00, 05/01/2023

  • Thanh Hóa: 2022 năm bản lề của chuyển đổi số

    07:43, 31/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năng suất của châu Á cần “cú hích” số hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO