Vấn đề cốt lõi là phải nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ, liên kết, hợp tác kinh doanh...
>>“Bước đệm” nâng cao chuỗi giá trị sản xuất
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, bên cạnh lợi ích thương mại, lợi ích thu hút đầu tư mà EVFTA mang lại cũng rất lớn. Đơn cử, những năm trước, Đức đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 100 triệu USD, là con số ít ỏi khi so sánh với 60 tỷ USD họ đầu tư ra thế giới. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2023, con số này đã lên đến hơn 200 triệu USD. Về các dự án, cuối năm ngoái có một dự án rất lớn của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương là dự án của LEGO với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây là một dự án rất lớn và là những điểm sáng cần phát huy.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hầu hết là các công ty 100% vốn nước ngoài, còn hợp đồng hợp tác kinh doanh và đặc biệt là hợp đồng liên doanh hiện nay khá ít. Trừ những trường hợp khó quá, nhà đầu tư nước ngoài không làm được thì họ làm liên doanh. Đây là một điểm mà chúng ta để vuột mất một cơ hội.
Ông Toàn cho biết, nếu như trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam thì hầu hết theo hình thức liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ giải phóng mặt bằng, quan hệ công quyền, giải quyết các vấn đề chính sách… thì đối tác Việt Nam lo, còn doanh nghiệp FDI lo về khâu sản xuất kinh doanh, bán hàng, các khâu về công nghệ.
Với hình thức này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận, lúc đấy lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam rất bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, song tồn tại là chưa nâng cấp được các doanh nghiệp Việt lên để xứng tầm khi làm liên doanh với đối tác nước ngoài.
Dẫn chứng từ đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia, đại diện VAFIE cho hay, hiệu ứng lan tỏa thấp dẫn đến rất nhiều bất lợi cho Việt Nam, tức là lúc đấy không có chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi giá trị thấp, sản phẩm hỗ trợ không tham gia được nhiều hoặc ở phân khúc công nghệ thấp…
“Tất cả những chuyện như vậy dẫn đến thua thiệt, tức là vừa tham gia chuỗi giá trị chúng ta được lợi nhiều, giá trị đem lại cho Việt Nam, lợi nhuận cho Việt Nam nhiều và phát triển được nguồn nhân lực,” ông nói.
Theo ông, vấn đề cốt lõi là phải nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và thông qua các liên kết làm ăn, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm