TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) khẳng định với DĐDN, theo nguyên tắc của pháp quyền, người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Thông tư 02/2019 của Bộ NN&PTNT “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” là tư duy khá phổ biến của nhiều cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VPQPPL) hiện nay.
- Quy định theo kiểu cho phép sản phẩm được lưu hành nên sửa ra sao, thưa ông?
Mặc dù, không có quy định cụ thể nào về việc cấm thỏ ăn cà rốt, cấm lợn ăn bèo tây trong Thông tư 02/2019. Tuy nhiên, việc không đưa cà rốt và bèo tây... vào Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt nam thể hiện sự hạn chế của cách làm chính sách và tư duy quản lý.
Làm chính sách theo kiểu như vậy không chỉ chứa đựng rủi ro không liệt kê hết những thứ cần phải cho phép, mà còn hạn chế quyền tự do, sáng tạo của người dân. Nên chăng Thông tư 02/2019 cần được sửa đổi theo hướng cấm sử dụng một số loại thức ăn chăn nuôi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng, còn các loại thức ăn chăn nuôi khác thì người dân có quyền tự do sử dụng.
- Thời gian gần đây, liên tục các dự thảo và VBQPPL đươc ban hành gây tranh cãi lớn trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng VBQPPL ở Việt Nam còn yếu kém, thưa ông?
Đúng vậy! Đây là thực trạng của nhiều chính sách được ban hành, dẫn đến chính sách không đi vào cuộc sống.
Trước hết, đó là tình trạng vừa thiết kế, vừa thi công. Đáng ra chính sách phải được nghiên cứu kỹ từ thực tiễn rồi mới được soạn thảo xây dựng thành văn bản, thì chúng ta lại vừa soạn thảo, vừa cân nhắc xem đưa chính sách gì vào trong văn bản. Mà như vậy, thì một quy trình chính sách chuẩn đã không được tuân thủ. Quy trình chính sách phải bao gồm: nhận biết vấn đề; nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề; đề ra giải pháp (chính sách) để xử lý nguyên nhân của vấn đề; đánh giá tác động của chính sách. Trên cơ sở chính sách đã được xác định rõ mới có thể soạn thảo văn bản. Soạn thảo văn bản chỉ là việc dịch chính sách thành các quy phạm pháp luật.
Hai là, tư duy pháp lý và năng lực soạn thảo văn bản (năng lực dịch chính sách thành các quy phạm pháp luật) yếu. Thông tư 02/2019 nói trên cho thấy tư duy thích quản, thích cho phép đã làm phát sinh vấn đề. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn về soạn thảo văn bản pháp luật ít được quan tâm đào tạo và đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Ba là, việc đánh giá tác động chính sách ít được coi trọng. Nếu chúng ta tiến hành đánh giá tác động của chính sách một cách khoa học, khách quan, thì những quy định như tại Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 - Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự bảo tồn và phát triển của nước mắm truyền thống như thế nào là điều không thể không nhìn thấy?
Bốn là, rủi ro bị lợi ích nhóm, bị tham nhũng chính sách chi phối đang ngày càng gia tăng. Tôi không khẳng định, việc có hay không lợi ích nhóm trong quá trình soạn thảo Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019, nhưng rõ ràng nhiều tiêu chuẩn và cả thuật ngữ được đưa vào trong văn bản sẽ tạo ra thuận lợi cho những người sản xuất nước mắm công nghiệp, và gây khó khăn cho những người sản xuất nước mắm truyền thống.
Có thể bạn quan tâm
13:30, 15/03/2019
06:36, 12/03/2019
15:00, 13/03/2019
- Đáng chú ý, không riêng gì các thông tư, nghị định, mà đã từng có trường hợp, Bộ Luật vừa mới được thông qua nhưng đã phải dừng lại để sửa đổi. Nhiều người lo ngại quy trình thẩm định dự án luật của chúng ta cũng có vấn đề, thưa ông?
Quả đúng là như vậy! Vấn đề nằm không chỉ ở công đoạn hoạch định chính sách và soạn thảo văn bản (công đoạn của Chính phủ), mà cả ở công đoạn thẩm định chính sách và thông qua văn bản (công đoạn của Quốc hội). Quy trình thẩm định chuẩn đáng ra phải chia thành 3 bước: 1. Bước một thẩm định về vấn đề đang đặt ra và sự cần thiết phải ban hành luật; 2. Bước hai thẩm định về chính lập pháp được đề ra; 3. Thẩm định về kỹ thuật của chính sách lập pháp ở ủy ban chuyên môn trước khi trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, chúng ta lại thẩm định qua hai bước mà triết lý của từng bước có lẽ cũng không thật rõ. Đó là chưa nói tới trình trạng các thiết chế về chính trị lại đi thẩm định quá sâu, thậm chí trực tiếp quyết định những vấn đề thuộc về kỹ thuật.
Thêm vào đó, tình trạng các bộ, ngành có tâm lý làm gì động vướng một chút là đề nghị sửa luật ngay và Chính phủ cũng dễ dàng đồng ý cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hệ thống pháp luật của chúng ta thiếu ổn định. Chúng ta đang lạm dụng pháp luật như một giải pháp đối với mọi vấn đề, cũng giống như lạm dụng kháng sinh để chữa mọi thứ bệnh. Pháp luật không thể xử lý được mọi vấn đề! Đây còn là vấn đề của văn hóa, đạo đức, thực tiễn tốt…
- Về tổng thể, theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng làm luật?
Để nâng cao chất lượng làm luật, về tổng thể, chúng ta còn phải làm khá nhiều việc. Trước tiên, chúng ta cần xây dựng một hệ nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của điều chỉnh trong quản trị quốc gia. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một quy trình lập pháp chuẩn.
Cùng với đó là vấn đề nâng cao năng lực cả hoạch định chính sách và soạn thảo văn bản (năng lực của Chính phủ và các bộ ngành), cả thẩm định chính sách và thông qua văn bản (năng lực của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội). Chúng ta phải đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về đánh giá tác động của chính sách, về soạn thảo văn pháp luật; Nâng cao năng lực tổ chức và tham vấn ý kiến công chúng; Nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật.
Nhiều người khẳng định, về lâu dài, chúng ta cần một cơ quan độc lập quản lý chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nhưng tôi cho rằng không cần. Bởi như tôi đã nói, hiện tại chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật phải được bảo đảm bởi chất lượng của tất cả các công đoạn của quy trình lập pháp. Nếu việc hoạch định chính sách hay thẩm định chính sách dở, thì cơ quan nào có thể quản lý chất lượng được đây?
- Xin cảm ơn ông!
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội: Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay, kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có tới 5.639 văn bản trái pháp luật. Như vậy, tính trung bình, 1 ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành. Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều. Mặc dù Bộ Tư pháp thường xuyên thẩm định, kiểm tra, đánh giá, các bộ, ngành và địa phương quan tâm xử lý, khắc phục, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC: Hiện tại các cơ quan nhà nước, các cán bộ nhà nước đã có “nghệ thuật” lách luật, “vượt thẩm quyền” và đối phó với doanh nghiệp. Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” là một ví dụ điển hình. Nếu đọc kỹ Thông tư 02, lợn không được ăn bất kỳ loại rau cỏ gì. Như vậy, hàng nghìn loại đặc sản của người hay người vẫn ăn thì lợn cũng không được phép ăn. |