NATO dự kiến sẽ ký kết một kế hoạch sản xuất quốc phòng mới vào tháng 7/2023 khi khối liên minh họp thượng đỉnh, mở ra cơ hội giải quyết bài toán thiếu vũ khí của Kiev và đồng minh.
Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã kết thúc hai ngày họp tại Brussels vào ngày 16/6 vừa qua với cam kết viện trợ quân sự thêm hàng tỷ đô la Kiev khi nước này bước vào tuần thứ 2 của đợt phản công. Cùng với đó, các quan chức Mỹ và châu Âu cũng thống nhất sẽ tăng cường các kế hoạch chế tạo thêm vũ khí để bổ sung năng lực cung cấp vũ khí của khối.
Để bắt tay giải bài toán thiếu vũ khí, các lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ký kết Kế hoạch Hành động Sản xuất Quốc phòng mới khi Hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng tới. Trong suốt các cuộc họp ở Brussels vừa qua, 20 lãnh đạo tập đoàn quốc phòng tư nhân đã tập trung bên lề để bắt đầu đưa ra các đề xuất cho kế hoạch đó.
>>"Hé lộ" lý do chiến sự Nga - Ukraine còn dai dẳng
Điều đó cho thấy giới chức Mỹ và châu Âu đã nhận ra “lỗ hổng” của hệ thống và suốt thời gian qua đã chuẩn bị một kế hoạch nhằm tích hợp năng lực sản xuất của các tập đoàn vũ khí Mỹ và châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 15/6 thừa nhận rằng “mối quan hệ giữa chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng chưa bao giờ quan trọng hơn thế”.
Nói về kế hoạch hành động mới, ông Stoltenberg cho biết kế hoạch này sẽ kết nối năng lực công nghiệp quốc phòng của liên minh một cách hiệu quả hơn với kế hoạch quốc phòng của các nước. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện mua sắm chung nhiều hơn, giúp đáp ứng các mục tiêu năng lực của NATO và hỗ trợ các đồng minh thực hiện các tiêu chuẩn của NATO.
Nhiều Bộ trưởng Quốc phòng đã hoan nghênh sáng kiến này. Bà Kajsa Ollongren, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, nói “tôi rất ủng hộ việc tổ chức các cuộc họp kiểu này với ngành công nghiệp. Điều này giúp làm rõ hơn những gì chúng ta phải làm, đâu là vấn đề và cách giải quyết những vấn đề này”.
Bên cạnh đó, hội nghị mới đây cũng mở ra nhiều cam kết có thể giải bài toán thiếu hụt vũ khí cho Kiev, như áp mức 2% GDP cho ngân sách quốc phòng là mức tối thiểu để đầu tư vào an ninh chung.
Ngoài ra, 4 nước Bulgaria, Đan Mạch, Đức và Luxembourg cũng đã tham gia Sáng kiến lưu trữ đạn dược đa quốc gia (MAWI) nhằm dự trữ nguồn lực phục vụ cho các lực lượng chiến đấu đa quốc gia của NATO ở sườn phía Đông gần Nga. Hiện tại, có 23 quốc gia thành viên, cùng Thụy Điển và Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm của NATO tham gia sáng kiến này.
Những sáng kiến mới có thể là lời giải cho bài toán thiếu hụt vũ khí của Ukraine trong tương lai. Nhưng hiện tại Ukraine vẫn đang chiến đấu với nỗi lo thiếu khí tài và đạn dược thường trực, khi chứng kiến các nỗ lực riêng lẻ của phương Tây.
Ngày 15/6, Đức và Ba Lan đã cam kết duy trì các xe tăng Leopard được chuyển đến Ukraine vào mùa xuân này, trong khi Mỹ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Canada cam kết vận chuyển tên lửa phòng không mới. Đan Mạch cũng cam kết hỗ trợ quân sự gần 2,6 tỷ USD cho Ukraine đến năm 2024. Chưa kể tới gói hỗ trợ trị giá 325 triệu USD mà chính quyền Biden đã hứa vừa qua, sẽ được rút trực tiếp từ các kho dự trữ hiện có của Hoa Kỳ.
>>Nga sẽ "xuống thang" nếu Ukraine phản công thắng lợi?
Các đồng minh châu Âu không thể cung cấp một lượng lớn khí tài cho Kiev trong thời gian ngắn khi cuộc chiến đang tiêu hao quá nhanh kho dữ trữ hiện có, trong khi năng lực bổ sung không đáp ứng kịp.
Thậm chí, bản thân Mỹ cũng đang cảm thấy áp lực, dù viện trợ cho Ukraine của Mỹ tới nay chưa thể làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ trên toàn cầu.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth trong tuần qua đã thừa nhận rằng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang “phải vật lộn” để đáp ứng nhu cầu của cuộc xung đột.
“Một bài học rút ra từ cuộc xung đột Ukraine là cơ sở công nghiệp của Mỹ không mạnh như chúng ta cần, và đó là một hồi chuông cảnh tỉnh,” bà Wormuth nói.
Có thể bạn quan tâm