NATO đang đau đầu tìm ra giải pháp cho tương lai của Ukraine, một mặt vừa đáp ứng nhu cầu an ninh của Kiev, mặt khác phải đảm bảo kiềm chế tham vọng của Nga.
Nhà triết học George Santanaya từng nhận xét rằng “chỉ có người chết mới thấy chiến tranh kết thúc”. Xét cho cùng, chiến sự Nga- Ukraine rồi cũng sẽ có ngày kết thúc, nhưng không ai có thể nói rằng sẽ không còn các cuộc chiến khác trong tương lai.
Đây cũng là một vấn đề đặt ra cho Mỹ và phương Tây, rằng họ phải làm thế nào để ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Nga vào một quốc gia nào đó trong tương lai.
Các lựa chọn của phương Tây về tương lai của Kiev hiện nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Khó khăn nằm ở việc hài hòa nhu cầu tăng cường an ninh cho Ukraine và khối NATO, trong khi giảm thiểu các động thái gây kích động Moscow trong tương lai.
>>Ukraine cạnh tranh "quyền lực mềm" với Nga tại Nam bán cầu
Nếu kết nạp Ukraine vào NATO, chắc chắn chiến sự Nga- Ukraine sẽ leo thang lên một tầm mức mới, với kịch bản xấu nhất là chiến tranh hạt nhân. NATO sẽ khó có thể ngồi yên trước viễn cảnh như vậy, buộc họ phải lựa chọn tham gia trực tiếp vào xung đột hạt nhân tàn khốc với Nga.
Ukraine có thể nhận được thêm một số hỗ trợ khác từ NATO nhưng khó có điều khoản phòng thủ tập thể theo Điều 5. Cách làm này trên lý thuyết có vẻ mang tính răn đe, nhưng trên thực tế sẽ gây khó khăn cho chính Kiev nếu trong tương lai xảy ra xung đột với Nga một lần nữa.
Bài học từ Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 vẫn còn. Khi đó Anh, Pháp, Nga và Hoa Kỳ cam kết đảm bảo an ninh và biên giới của Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân được thừa hưởng từ Liên Xô.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận phù hợp nhất hiện nay là biến Ukraine thành một “con nhím”. Về bản chất, đó là trang bị cho Kiev những khí tài và năng lực quân sự khổng lồ đủ để Nga thấy e dè khi có ý tưởng tấn công Ukraine một lần nữa.
Điều quan trọng nhất, chiến lược này phù hợp với khả năng hỗ trợ hiện tại của phương Tây dành cho Ukraine mà không hề gây nghi ngại mới nào cho Nga. Đồng thời, xây dựng năng lực phòng thủ mạnh mẽ cho Kiev cũng sẽ bớt đáng ngại hơn việc mài dũa khả năng tấn công của họ.
Ngoài ra, châu Âu có thể đồng thời biến Ukraine thành một nhà máy sản xuất vũ khí lớn, vừa đảm bảo khả năng cung ứng cho khối, vừa nâng cao năng lực phòng thủ của Kiev trước Nga.
Trung tuần tháng 5, các quốc gia phương Tây đã bắt đầu có những động thái. Ngoài gói viện trợ 3 tỷ USD, Đức mới công bố một chương trình dài hạn hơn trị giá 8,5 tỷ USD trong 9 năm tới. Nhà thầu quốc phòng Rheinmetall (Đức) cũng đạt được thỏa thuận với Kiev về việc xây dựng một cơ sở sản xuất vũ khí và bảo dưỡng xe tăng lớn ở Ukraine.
Theo các nhà quan sát, việc Ukraine ngày càng làm quen với nhiều hệ thống tiên tiến hơn của phương Tây sẽ giúp nước này chuyển đổi sang một quân đội kiểu phương Tây sau chiến tranh dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Thực tế xung đột cho thấy các hệ thống phòng không và tên lửa của phương Tây đã khắc chế được nhiều khí tài của Nga. Trên cơ sở đó, việc trang bị thêm cho Kiev năng lực phòng không bằng các máy bay tiên tiến trong tương lai chắc chắn sẽ có tính răn đe cao hơn với Moscow.
Các lực lượng Ukraine được NATO định hướng sẽ trở nên nhanh nhẹn và linh hoạt hơn nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu trong một chiến dịch phòng thủ trước Nga. Quân đội Nga sẽ phải cảnh giác trước các cuộc phục kích và phản công bài bản, liên tục, được kết hợp với pháo, tên lửa tầm xa hay UAV có thể gây thiệt hại nặng nề hơn nữa cho Moscow.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine
"Công thức bí mật” thực sự của chiến lược "con nhím” sẽ là khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến vũ khí kết hợp trên quy mô lớn. Với sự đồng bộ và tích hợp được cải thiện, các lực lượng của Ukraine và NATO sẽ sẵn sàng tung ra các đòn phản công “chí mạng” cho Nga nếu Moscow một lần nữa tấn công Kiev.
Mạng lưới chiến đấu và hệ thống quản lý liên kết các hệ thống vũ khí với trinh sát từ vệ tinh hoặc UAV có thể mang lại cho Ukraine lợi thế quan trọng trước Nga. Là đặc trưng của chiến tranh hiện đại, chia sẻ thông tin càng hiệu quả sẽ càng nâng cao khả năng giành chiến thắng trên chiến trường. Và đó là điều Ukraine có thể nhận được từ NATO.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Máy bay F-16 sẽ giúp Ukraine lật ngược "thế cờ"?
03:30, 23/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine
04:00, 21/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do hai bên "dồn lực" cho Bakhmut
04:30, 22/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức tham vọng của Trung Quốc
03:30, 20/05/2023