Bên cạnh việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có uy tín và tiềm lực tài chính, sẵn sàng thực hiện trách nhiệm bồi thường khi sự cố xảy ra với khách hàng cũng quan trọng không kém.
>>Doanh nghiệp ngành bảo hiểm phi nhân thọ “hụt hơi”
Bảo hiểm “mua dễ khó đòi”?
Theo thống kê của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2021 ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2020.
Tuy nhiên, các thông tin về chi trả quyền lợi bảo hiểm cụ thể ở các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) không có nhiều cập nhật. Khách hàng tìm hiểu để tham gia bảo hiểm thường chỉ được giới thiệu nhiều về công ty, các gói bảo hiểm, quyền lợi nói chung, ít được tiếp cận các trường hợp thực tế về việc chi trả quyền lợi, hay từ chối chi trả quyền lợi, để từ đó có đánh giá và đưa ra quyết định.
Đặc biệt, từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm là vấn đề được nhiều người quan tâm, bao gồm cả khách hàng và đại lý bảo hiểm. Theo một vị chuyên gia trong ngành lý giải, đây là việc mà không có bất cứ nhân viên giải quyết quyền lợi bảo hiểm nào mong đợi. Tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là tiền của những thành viên khác trong quỹ bảo hiểm - những khách hàng khác. Do đó, nhà bảo hiểm phải hết sức cân nhắc khi từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm cho một khách hàng. Cần có sự công tâm và tìm hiểu về điều này trước khi nhận xét “bảo hiểm mua dễ khó đòi”.
Về tổng số tiền chi trả bảo hiểm gốc (giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho rủi ro thuần) của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hằng năm đều được cập nhật trên Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, nhưng những điều này không được lan truyền mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Nhìn ở góc độ nhân văn của ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không tìm kiếm lợi thế kinh doanh trên sự mất mát của người khác. Thực tế, có những nhân viên giải quyết quyền lợi bảo hiểm lại thận trọng một cách thái quá, khiến họ có xu hướng hay từ chối các ca có “dấu hiệu” thiếu trung thực. Nhưng nếu chúng ta có kiến thức về luật và y khoa, thì hoàn toàn có thể giúp đỡ khách hàng khiếu nại để xem xét lại quyết định, hoặc xa hơn là có thể khởi kiện. Những điều đó cũng không thể phủ nhận rằng, chương trình bảo hiểm nhân thọ là một điều thực sự cần thiết cho mỗi người”, vị chuyên gia lý giải.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, những thông tin quan trọng khách hàng kê khai sai có thể dẫn đến việc DNBH từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm theo các quy định của hợp đồng bảo hiểm và điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của chính mình khi tham gia bảo hiểm thì sự trung thực trong hồ sơ kê khai yêu cầu bảo hiểm là yếu tố tiên quyết. Bên cạnh đó, lựa chọn các DNBH có uy tín và tiềm lực tài chính vững mạnh, sẵn sàng thực hiện trách nhiệm bồi thường khi sự cố xảy ra với khách hàng cũng quan trọng không kém.
>>Tăng trưởng ngành Bảo hiểm Nhân thọ: Bao giờ trở lại... ngày xưa?
Công khai chi trả quyền lợi
Có thể thấy, lựa chọn đúng nhà cung cấp bảo hiểm uy tín, có tiềm lực, trách nhiệm và khách hàng thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo trung thực khi tham gia bảo hiểm sẽ tránh dẫn đến tính trạng mua dễ khó đòi như đã phân tích ở trên.
Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin dễ dàng, nhanh chóng và chi tiết có thể giúp khách hàng tiếp cận bảo hiểm hiệu quả hơn. Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề cập về việc công khai chi trả quyền lợi bảo hiểm trong bản góp ý dự thảo đề án chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến 2030. Theo đó, các chỉ tiêu về chất lượng giải quyết bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm hiện đã được các doanh nghiệp thống kê và báo cáo cho cơ quan nhà nước theo quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC, gồm có: Tỉ lệ trả tiền bảo hiểm; tỉ lệ hồ sơ yêu cầu còn tồn đọng; thời gian trung bình giải quyết hồ sơ; tỉ lệ số tiền đã thanh toán trên số tiền chấp thuận chi trả; tỉ lệ hồ sơ từ chối bồi thường trên hồ sơ đã giải quyết và tỉ lệ chấp thuận chi trả trên tổng số yêu cầu. Dẫu vậy các thông tin này hiện vẫn chưa được cung cấp cho khách hàng.
Thực tế trong các bản tin tổng hợp tình hình thị trường được đăng tải trên website của Bộ Tài chính - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đôi lúc cũng đã nhắc đến các chỉ tiêu này, nhưng vẫn ở mức chung chung, chưa tạo điều kiện để khách hàng lựa chọn và doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, khi tham khảo về thị trường bảo hiểm của một số quốc gia khác trên thế giới, VCCI nhận thấy không khó khăn để có thể tìm kiếm được thông tin về các chỉ tiêu trên cho từng sản phẩm bảo hiểm của từng công ty, thậm chí có bảng so sánh rất thuận tiện để tra cứu. VCCI cho hay, đây cũng chính là những thông tin cần thiết và là một trong những tiêu chí để khách hàng lựa chọn giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm cùng loại, qua đó tạo động lực để các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ.
Với các thông tin và diễn biến thị trường trên đây, trong văn bản góp ý, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc bổ sung thêm một hoặc một số chỉ tiêu về chất lượng giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm vào trong các chỉ tiêu cụ thể của chiến lược. Đi kèm với đó là các giải pháp để công khai thông tin về chất lượng này cho từng loại sản phẩm bảo hiểm của từng doanh nghiệp, để thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, vị Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng khuyến nghị, bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 để tăng độ tương tác, trải nghiệm của khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các mẫu quy tắc điều khoản bảo hiểm hiện có theo hướng đơn giản hóa, làm cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trở nên thân thiện hơn.
Đặc biệt, việc đưa ra các sản phẩm mới, đa dạng, thiết kế sát hơn với nhu cầu, khả năng kinh tế của từng nhóm khách hàng cũng là yếu tố quan trọng để bảo hiểm trở lên hấp dẫn hơn với người dân.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 12/09/2022
16:43, 09/09/2022
03:00, 29/08/2022
05:00, 28/07/2022