Đó là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - ông Nguyễn Đức Kiên tại buổi làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn và các Ban chuyên môn.
Vận hành an toàn và ổn định
Báo cáo tình hình hoạt động của BSR, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn vận hành liên tục, an toàn, ổn định ở công suất tối ưu, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản lượng sản xuất 8 tháng ước đạt 4,717 triệu tấn; doanh thu ước đạt hơn 73,908 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 7,470 ngàn tỷ đồng. Công tác tối ưu hóa, nghiên cứu khoa học được đặc biệt chú trọng, góp phần tiết kiệm chi phí cho hoạt động sản xuất. 7 tháng đầu năm 2018, giá trị tiết kiệm của BSR là 563,78 tỷ đồng, vượt 16,8% so với mức được giao (482,64 tỷ đồng), trong đó đặc biệt phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng chiếm chủ đạo là 495 tỷ đồng. Đồng thời BSR đã nghiên cứu và vận hành tăng công suất của Nhà máy có thể vận hành lên 118%.
Lũy kế kết quả SXKD từ khi vận hành Nhà máy đến nay, BSR đạt 955,08 nghìn tỷ doanh thu (tương đương hơn 40 tỷ USD); Nộp ngân sách Nhà nước đạt 152,98 nghìn tỷ USD (tương đương 7 tỷ USD). Kể từ sau khi hoàn thành BDTT lần 3 năm 2017 đến nay, Nhà máy vận hành ổn định, liên tục, hệ thống quản trị nội bộ luôn được cập nhật, hoàn thiện. Đến nay, Nhà máy đạt 17,5 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.
Giá trị tiết kiệm ước thực hiện các tháng đầu năm 2018 là 563,78 tỷ đồng, vượt 16,8% so với chỉ tiêu năm 2018 đặt ra (482,64 tỷ), trong đó phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng khoảng 495 tỷ đồng. Công tác tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đẩy nhanh việc triển khai, cập nhật thực hiện các chương trình hành động năm 2018 về tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó chú trọng vào tối ưu hóa năng lượng, tối ưu hóa công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học,…
Công tác triển khai xây dựng Trung tâm Lọc Hóa dầu và Năng lượng Quốc gia đang được triển khai tích cực. Ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn số 8022/UBND-CNXD về việc triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu Sở Công thương Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các Ban QL KTT Dung Quất và BSR khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển không gian và bố trí mặt bằng để xây dựng và hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia.
Xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia
Ngày 9/01/2018, Sở Công thương Quảng Ngãi có báo cáo số 47/BC-SCT về việc xây dựng Quy hoạch Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia, trong đó có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đăng ký làm việc với Bộ Công thương với nội dung về việc điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia vào các quy hoạch nhánh của quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng đồng thời làm căn cứ để tỉnh Quảng Ngãi đưa vào Quy hoạch của tỉnh và triển khai xây dựng, phát triển.
Sau khi nghe BSR báo cáo các kiến nghị về thuế, vốn, dự án NCMR NMLD Dung Quất, Nhà máy Ethanol Dung Quất và các vấn đề khác, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đề nghị BSR làm rõ các vấn đề như sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận của BSR khi Chính phủ áp dụng các cơ chế tài chính và không áp dụng cho BSR. Làm rõ và nêu bật sự hỗ trợ của BSR cho Công ty Lọc dầu Nghi Sơn trong khâu đào tạo nguồn nhân lực và thị trường. BSR đang là doanh nghiệp Nhà nước đi trước, mở đường tiên phong trong những lĩnh vực lọc hóa dầu. Mặt bằng cơ chế, chính sách giữa doanh nghiệp Nhà nước và các khối doanh nghiệp khác, cái gì giống nhau, cái gì còn phân biệt đối xử để Quốc hội xem xét, điều chỉnh.
Đối với dự án NCMR NMLD Dung Quất, ông Nguyễn Đức Kiên tư vấn: Nên đưa dự án này thành công trình trọng điểm quốc gia, đưa ra Quốc hội, quyết thì mới mong đẩy nhanh các vấn đề về vốn. Về Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại Dung Quất, Quốc hội sẽ làm việc cụ thể với PVN để lắng nghe PVN trình bày các ý tưởng, quy mô toàn thể Trung tâm.
Nhà máy Ethanol Dung Quất và các dự án khác chưa hiệu quả của PVN sẽ được Quốc hội đưa vào báo cáo kinh tế - xã hội 2018 - 2019 để Quốc hội xem xét. Quan điểm của Quốc hội là đối với các dự án chưa hiệu quả, cần khoanh lại quá khứ, đẩy nhanh để đưa dự án đi vào sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn.