Tín dụng - Ngân hàng

Nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%

NGUYỄN VIỆT thực hiện 10/08/2024 2:46

(DDDN) - Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách 0% với lãi suất tiền gửi USD trong thời gian tới.

GS TS Trần Thọ Đạt
GS TS Trần Thọ Đạt

Đó là chia sẻ của TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD. Tuy nhiên, cũng có đề xuất nên tăng lãi suất tiền gửi USD. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta cần nhìn lại bối cảnh ra đời của việc áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đối với tổ chức và cá nhân. Trước khi có quy định này, ở thời điểm từ năm 2010, để ứng phó với VND chịu sức ép phá giá lớn, NHNN đã quy định trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức là 1%/năm nhằm giảm việc găm giữ USD.

Từ năm 2011, NHNN đã giảm 5 lần trần lãi suất tiền gửi USD phù hợp với diễn biến giảm lãi suất VND và đến tháng 10/2014, trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức chỉ còn là 0,25%/năm và cá nhân là 0,75%/năm.

lai-suat-do.jpg
Chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống USD hóa.

Đến tháng 8/2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, đồng thời lúc đó có kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất, thì tình trạng “găm giữ” ngoại tệ quay trở lại, tỷ giá USD/VND tăng sát trần.

Nếu không có giải pháp mạnh thì khó ổn định được thị trường ngoại tệ. Trong bối cảnh đó, để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN đã áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm từ năm 2015.

Chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN đã triển khai để ổn định thị trường ngoại hối. Chính sách này là “trụ cột” trong chủ trương chống USD hóa, hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế VND.

Nhờ đó, tỷ lệ “đô la hóa” trong nền kinh tế đã giảm mạnh, nguồn lực USD trong dân được chuyển thành nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, thị trường ngoại tệ được quản lý hiệu lực và hiệu quả hơn, thực hiện điều hành tỷ giá trung tâm cho phép tỷ giá biến động linh hoạt, hấp thụ tốt hơn các “cú sốc” và phản ánh tốt hơn quan hệ cung - cầu thị trường.

Tâm lý kỳ vọng tỷ giá luôn có xu hướng tăng hiện nay đã giảm, và việc chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ đã giúp cơ quan điều hành chủ động hơn nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Trong thời gian đại dịch và biến động địa chính trị vừa qua, kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường ngoại tệ Việt Nam nói riêng khá ổn định, VND mất giá ít hơn so với nhiều đồng tiền khác, NHNN đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng đồng bộ các công cụ để ổn định tỷ giá và các biến số kinh tế vĩ mô khác.

Tôi cho rằng, hiện tại thị trường đang rất ổn định, do đó nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%.

- Nếu tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD thì sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

Tuy chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ được triển khai trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu “đảo chiều” chính sách lãi suất USD 0%, nhiều khả năng sẽ “kích hoạt” động cơ “găm giữ” ngoại tệ đối với người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến tâm lý tái khởi động một kênh đầu tư “đã nguội” và dòng tiền đang “trực chờ” các kênh sinh lời.

Đặc biệt, nếu tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD sẽ gây thêm áp lực lên cung - cầu ngoại tệ, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tác động tới việc ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá và tác động ngược trở lại đến lãi suất VND.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong việc chống USD hóa nền kinh tế, cần xem mục tiêu này là quá trình lâu dài và kiên định trong chính sách thực hiện.

- Theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp gì để vừa duy trì chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%, nhưng vẫn tận dụng được nguồn lực bằng USD trong nền kinh tế?

Để chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống USD hóa, thì cần kiên định trong lộ trình thực hiện. Chúng ta phải nhất quán chính sách này là công cụ hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

Cần thực thi tổng thể các chính sách giảm sự "hấp dẫn" của việc nắm giữ đồng USD qua ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó nâng cao vị thế của VND. Phương châm duy trì nắm giữ VND có lợi hơn USD cần được kiên định thực hiện lâu dài, xuyên suốt trong điều hành lãi suất và tỷ giá.

Cần nhất quán thực hiện chuyển quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ. Đồng thời, có các biện pháp cụ thể tăng cường khung pháp lý về quản lý ngoại hối theo hướng hạn chế sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Đặc biệt, cần hạn chế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ hiện tượng “lách” trần lãi suất tiền gửi USD thông qua tăng cường thanh tra, giám sát, kỷ luật thị trường, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO