Nợ xấu đang là vấn đề lớn được nhiều chuyên gia quan tâm sau đại dịch, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần được “bơm vốn” để phục hồi và điều này phụ thuộc vào điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
>>Nợ xấu ngân hàng tăng trong quan ngại
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát Tài chính quốc gia, hiện doanh nghiệp và người dân đều cần gói kích thích đủ lớn để tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Nhưng Chính phủ cần cân nhắc hạn chế việc tham gia của các ngân hàng vào những chính sách có tính kích thích như giảm lãi suất, giãn hoãn nợ,... đồng thời cho ngân hàng trích lập rủi ro nhiều hơn để dự phòng rủi ro nợ xấu trong tương lai.
“Về các gói giải pháp phục hồi kinh tế, nếu phải thực hiện việc giảm lãi suất thì phải kiên quyết đạt được 4 nguyên tắc như sau:
Một là, không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì đến Bộ Tài chính.
Hai là, không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính. Bởi tới đây, hạch toán của ngân hàng là vô cùng phức tạp trong khi đến nay, chúng ta vẫn chưa quyết toán xong gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009.
Ba là, không làm méo mó lãi suất thị trường. Việc không cấn trừ ngay lãi suất cho vay sẽ giúp lãi suất hệ thống ngân hàng tránh được tình trạng bị méo mó. Khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ là điều tối kị, bởi sẽ dẫn đến việc vay chỗ rẻ rồi cho vay lại.
Bốn là, không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Vị TS cũng lý giải rằng, sau các cuộc khủng hoảng, các ngân hàng thương mại thường là khu vực chịu nhiều vất vả nhất, vì phải xử lý "núi" nợ xấu. Do đó, ở nhiều nước trên thế giới thường không kéo ngân hàng vào cuộc trong bối cảnh khủng hoảng và Chính phủ các nước sẽ sử dụng trực tiếp "tiền tươi" từ ngân sách, để hỗ trợ doanh nghiệp.
Phân tích về dòng tiền của các ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, mặc dù lợi nhuận trong thời gian vừa qua tại nhiều ngân hàng tăng trưởng tích cực, nhưng đó là nhờ chính sách cho phép giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ vay, giúp hàng loạt nợ xấu trở thành “không xấu”. Tuy nhiên, sau thời gian cơ cấu, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết quan điểm liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, phải kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để một mặt sử dụng dư địa tăng nợ công một phần, nhưng đồng thời cũng dự trữ nguồn ngân sách đó để tác động sang chính sách tiền tệ, không phải buộc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp huy động thấp nhờ vào chính sách hỗ trợ lãi suất từ gói tài khóa.
Dù vậy, cần lưu ý hơn nữa chính sách hỗ trợ lãi suất, vì hiện các doanh nghiệp hoạt động chưa đem lại hiệu quả ngay. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả kinh doanh. “Thực tế, chúng ta đang thực hiện các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn phải trả, cơ cấu lại nợ. Nếu không có chính sách đó thì nhiều khoản nợ của doanh nghiệp hiện nay đã trở thành nợ xấu. Khi thành nợ xấu thì trích lập dự phòng rủi ro phải rất lớn, nên tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng rất cao và ngân hàng phải trích lập dự phòng lấy từ lãi suất kinh doanh, vì thế khó kỳ vọng vào việc các ngân hàng phải giảm lãi suất”, đại biểu lý giải.
>>Nợ xấu, chứng khoán, bất động sản: Những lưu ý cho năm 2022
Tuy nhiên, Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đã đưa ra định hướng rõ: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong hai năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt; Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình; Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho ngân sách.
Một vị chuyên gia cũng cho rằng, thực tế minh chứng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có dày dặn kinh nghiệm xử lý nợ xấu, đã đưa nợ xấu từ mức 17,2% năm 2012 về mức dưới 2%, thì việc xử lý nợ xấu thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, không phải là quá khó. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu đang gặp khó khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực. Các ngân hàng thương mại đang rất trông chờ Chính phủ sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, bởi nếu không, nguy cơ về nợ xấu như giai đoạn trước sẽ quay lại.
Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Quan điểm của cơ quan này hiện nay là nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng rủi ro. Tuy vậy, khi nhìn lại năm 2021, một lượng không nhỏ dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản,... Chính vì vậy, tiếp tục nắn dòng tín dụng là một trong những áp lực lớn, có tính trọng tâm, trọng điểm mà NHNN hướng mục tiêu đạt được trong năm nay.
Đặc biệt, khi Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 để dòng tiền đi đúng đối tượng ưu tiên, chảy vào sản xuất, thay vì chảy vào các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
05:00, 13/02/2022
05:00, 06/02/2022
05:30, 12/01/2022
16:58, 06/01/2022
04:30, 05/01/2022