Nếu tình hình kinh tế trong nước và thế giới tích cực, tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt 6,95%, CPI khoảng 4,12%, tăng trưởng xuất khẩu 11,64%.
>>Vì sao Hải Phòng bứt phá, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 của cả nước?
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định về tăng trưởng GDP năm 2024.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng GDP trong năm 2024, với kịch bản 1 là 6,55%, lạm phát 4,32%, tăng trưởng xuất khẩu 9,54%. Kịch bản 2 là 6,95%, lạm phát 4,12%, xuất khẩu hơn 11,64%.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, kịch bản tích cực là kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, một số nền kinh tế lớn quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất và theo đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu, giá cả trên thị trường thế giới “hạ nhiệt”.
“Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2023, kịch bản tích cực là giảm giá nhập khẩu 4% trong năm 2024 so với năm trước. Nếu như vậy thì áp lực giá cả đối với Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Anh Dương, kịch bản 2 kỳ vọng Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ để cải thiện tăng trưởng, tập trung vào năng suất lao động và chất lượng đầu tư, cũng như liên kết vùng và các nền kinh tế mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua với rất nhiều chuyển biến tích cực. Nếu triển khai hiệu quả những cải cách đã đề ra, và để những cải cách đó sớm phát huy với năng suất lao động, hiệu quả khu vực công, sức lan toả đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, Việt Nam có đạt được kết quả tăng trưởng cao và lạm phát thấp.
“Cùng với những thuận lợi từ nền kinh tế thế giới thì tăng trưởng GDP có thể đạt 7% và CPI là 4,12%”, ông Nguyễn Anh Dương bày tỏ.
Trả lời câu hỏi về chính sách tài khoá có tác động như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng GDP 7%, ông Nguyễn Anh Dương cho biết giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm hay tăng lương từ 1/7 đã cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Những giải pháp này cũng dựa trên những đánh giá rất chặt chẽ về dư địa của chính sách tài khoá. Những giải pháp, chính sách đã thực hiện đều phù hợp với dư địa tài khoá Việt Nam. Việt Nam vẫn còn dư địa để thực hiện không ít các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, tại thời điểm này nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn. Vì vậy, chỉ cần thực hiện tốt các chính sách tài khoá đã đề ra từ đầu năm, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao, đồng thời tạo sân chơi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn tạm thời, từ đó phục hồi sớm.
“Cần mạnh dạn đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, vì đây là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Nếu làm được điều này, chúng ta vừa hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp với các giải pháp tài khoá ở mức độ phù hợp nhưng vẫn giữ được dư địa tài khoá để ứng xử với các cú sốc trong tương lai”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
>>Nam Định: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 11 cả nước
>>Thái Bình: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế để cán đích năm
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, 6 tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sẽ đạt được mốc tăng trưởng đề ra vào cuối năm, mức 6 - 6,5% là hoàn toàn khả thi.
“Tuy nhiên, trong năm 2024, câu chuyện không phải là tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế chắc chắn đạt được. Áp lực năm nay xoay quanh tỷ giá và lạm phát”, ông Huân nói.
Trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia của CIEM cho rằng Việt Nam cũng phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn.
Thứ nhất, áp lực lạm phát còn lớn. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ.
Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao - cần phải được xem xét cẩn trọng.
Thứ hai, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Hay khu vực công nghiệp và xây dựng tuy là động lực chính cho tăng trưởng và cũng đã tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra trong 6 tháng, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn.
Có thể bạn quan tâm
18:34, 06/07/2024
03:30, 01/04/2024
01:31, 05/03/2024