Nền kinh tế toàn cầu đang phải hứng chịu "cú sốc" COVID-19. Sự phục hồi trở lại sẽ đi theo quỹ đạo nào là điều mà các nhà kinh tế còn đang băn khoăn...
Sự bùng phát của COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Virus không dừng lại ở biên giới, không phân biệt màu da, sắc tộc hay công việc, giới tính…Thế giới đang phải hứng chịu sự phong tỏa, cách ly xã hội và cả sự “sợ hãi”. Các kệ hàng trống rỗng trong siêu thị, các đường phố vắng tanh, các nhà máy, công xưởng nằm chơi, tin thông báo số người tử vong và nhiễm bệnh được cập nhật liên tục và cả thế giới dường như đang rơi vào những “ngày tận thế”.
Tất cả nghe như có vẻ giống kịch bản từ một bộ phim Hollywood nhưng sự thực có thể còn “tồi tệ” hơn thế nữa vì thời điểm này loài người không phải là đạo diễn để đưa ra cái kết có hậu cho kịch bản bộ phim “COVID-19”. Và có thể nói, dù cái kết của “bộ phim” như thế nào thì hậu quả của nó tác động đến nền kinh tế toàn cầu có thể ở vào mức độ “chưa từng có” trong lịch sử.
COVID-19 bắt đầu với một cú sốc từ phía cung, do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, sau đó biến thành một cú sốc về phía cầu, với việc Trung Quốc phong tỏa và sau đó các nước khác theo sau. Cho đến thời điểm hiện nay, đã trở thành một "sự bế tắc" trên nhiều lĩnh vực của các nền kinh tế. Suy thoái kinh tế toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, đó không phải là “điểm dừng đột ngột” của các hoạt động kinh tế mà đã “biến thể” thành “một kỷ băng hà kinh tế” do virus.
Các chính phủ trên toàn thế giới phải đưa ra sự lựa chọn giữa vấn đề chăm sóc sức khỏe và lợi ích kinh tế. Các gói cứu trợ khổng lồ từ cả chính phủ và ngân hàng trung ương là nguồn sống quan trọng để đảm bảo việc các doanh nghiệp và người dân các nước sẽ vẫn còn một “sức khỏe tốt” khi mọi thứ được trở lại bình thường.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 24/03/2020
06:00, 24/03/2020
06:00, 04/04/2020
Theo các chuyên gia về kinh tế, trong những thời điểm này, việc đưa ra các dự báo kinh tế đầy đủ và chính xác là điều hết sức khó khăn. Điều khả dĩ nhất có thể làm thời điểm hiện nay là đưa ra một số các “dự đoán” có thể xảy ra. Những dự đoán này dựa trên các kịch bản khác nhau liên quan đến thời gian đóng cửa của các nước và sự lây lan của virus. Có bốn kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế thế giới sau “kỷ nguyên COVID-19”.
Giả định rằng với những căng thẳng kinh tế xã hội và sự sụp đổ kinh tế đáng kể, các chính phủ ở Mỹ và châu Âu quyết định nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào cuối tháng tháng 5 này. Mọi hoạt động trở lại bình thường một cách từ từ và việc cách ly xã hội sẽ tiếp tục trong ít nhất là hết toàn bộ mùa hè.
Sẽ có một tỷ lệ những người tiếp tục làm việc tại nhà trong tương lai gần. Trong khi đó, các địa điểm có thể giao tiếp xã hội như quán rượu, rạp chiếu phim… bắt đầu mở với các “quy tắc phân tán” nghiêm ngặt tại chỗ. Du lịch toàn cầu vẫn còn hạn chế nhưng sự kết hợp giữa phát triển vắc-xin, xét nghiệm được xử dụng rộng rãi hơn và khả năng tăng mạnh trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khiến mọi thứ được kiểm soát trong khoảng thời gian đến hết mùa đông năm 2020.
Trong kịch bản này thì hầu hết các quốc gia đều sẽ phải trải qua một cơn “bạo bệnh” nghiêm trọng và kéo dài trong các hoạt động kinh tế. Kết quả là sự phục hồi kinh tế sẽ có hình chữ U.
Kịch bản này bắt đầu theo cách tương tự, với việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, trong kịch bản này, dịch bệnh sẽ quay trở lại vào mùa thu và mặc dù có nhiều nỗ lực kiểm tra và theo dõi liên lạc rộng rãi hơn, sự lây lan mới đẩy hầu hết các nền kinh tế phong tỏa trở lại.
Do có nhiều kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020 nên các nước có thể đưa ra được các biện pháp ngăn chặn phù hợp hơn, chỉ phong tỏa một số khu vực và lĩnh vực hoạt động. Giả định là sẽ mất đến tháng 4 năm 2021 virus bị kiểm soát và các nền kinh tế, cũng như các xã hội, bắt đầu trở lại trạng thái bình thường.
Tăng trưởng GDP sẽ thấp nhất trong năm 2020 và sẽ cao hơn vào năm 2021. Tuy nhiên, có thể phải đến cuối năm 2022 thì hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức trước khi khủng hoảng. Đây là một sự phục hồi theo hình chữ W.
Trong kịch bản “tốt nhất”, Mỹ và phương Tây theo bước chân của Trung Quốc bằng cách chấm dứt việc phong tỏa ngay khi dịch bệnh “lên đỉnh” và dừng lại trong tháng 4 này.
Mọi sự trở lại quỹ đạo nhanh chóng vào cuối tháng 4 này và dịch bệnh sẽ không quay trở lại vào mùa đông. Tỷ lệ người mắc bệnh đã được khoanh vùng và cách ly điều trị, các biện pháp kiểm soát trở nên hiệu quả và hợp lý.
Mặc dù vậy, một số thiệt hại kinh tế là không được bù đắp ngay lập tức nhưng các biện pháp của chính phủ như bảo lãnh, hỗ trợ thanh khoản và các “chính sách đạn dược” kinh tế sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trong kịch bản này, hầu hết các nền kinh tế sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ nhàng khoảng 2-3% so với năm trước nhưng sẽ tăng trưởng vào năm 2021, hầu hết các nền kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021. Đây là một kịch bản phục hồi "hình chữ V".
Kịch bản của trường hợp “tệ nhất” đối với nền kinh tế toàn cầu khi các nước bắt buộc phải phong tỏa kéo dài cho đến cuối năm nay. Vắc-xin có thể sẽ được phát triển và sử dụng vào mùa đông này và virus được cho là trong tầm kiểm soát vào cuối năm.
Tuy nhiên, trong kịch bản này thì hầu hết các nền kinh tế sẽ rơi vào một cơn “bạo bệnh” chưa từng thấy. Năm 2020 có thể sẽ đi vào sử sách là năm có sự suy thoái nghiêm trọng nhất. Thế giới sẽ phải chứng kiến hầu hết các nền kinh tế thu hẹp với tốc độ hai con số trong cả năm. Sự phục hồi vào năm 2021 là điều không tưởng và phải đến năm 2023, các nền kinh tế mới có thể trở lại mức trước đây. Và trường hợp “tệ nhất” xảy ra sẽ khiến nền kinh tế thế giới đi theo chữ “L”, đó sẽ là một “kỷ băng hà” cho các nền kinh tế trên thế giới.