Nền tảng pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo

NGUYỄN VIỆT thực hiện 30/09/2023 03:00

Việt Nam là quốc gia đã tham gia tích cực, chủ động trong suốt quá trình chuẩn bị, tham vấn và thương thảo Hiệp định về Biển cả.

>>Việt Nam xác lập chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa

Sáng 20/9/2023, tại New York (Mỹ), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về Biển cả) trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 78. 

Chia sẻ với DĐDN, PGS TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis) nhận định, việc hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định về Biển cả sẽ tạo thêm nền tảng pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền và lợi ích hợp pháp về biển của Việt Nam trên Biển Đông.

- Thưa ông, thông qua Hiệp định về Biển cả, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia tích cực và chủ động trong sự kiện mang ý nghĩa lịch sử của tiến trình phát triển bền vững toàn cầu?

Là một quốc gia biển, là thành viên Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam là quốc gia đã tham gia tích cực, chủ động trong suốt quá trình chuẩn bị, tham vấn và thương thảo Hiệp định về Biển cả.

Việt Nam cũng là một trong 60 quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định về Biển cả, truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc thông qua và ký hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đây là một văn kiện quan trọng, góp phần củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.

- Theo ông, Hiệp định về Biển cả sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam trong bối cảnh Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã và đang triển khai?

Hiệp ước về Biển cả đưa ra các quy định cho 5 nhóm vấn đề chính, như: chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; Thiết lập khu bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường biển; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển; Vấn đề chung, như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính.

Nguyên tắc nền tảng của Hiệp định về Biển cả xem “nguồn gien biển cả” là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gien biển cả này cần phải được chia sẻ công bằng giữa tất cả các quốc gia, kể cả quốc gia không có biển theo một cơ chế được xác định trong Văn kiện.

Hiện nay, nước ta đang sắp kết thúc 5 năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đối chiếu với các nội dung cơ bản của Hiệp định về biển cả nhận thấy có sự “tương đồng” với các định hướng nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nói trên.

Hiệp định về Biển cả còn có sứ mạng khoả lấp “khoảng trống” về bảo tồn và sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học biển – nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Trong khi, nguồn tài nguyên tái tạo qúy giá của nhân loại này đã và đang bị khai thác huỷ diệt, không được bảo tồn, thiếu bền vững, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

- Hiệp định cũng có thể được xem như một cơ hội để Việt Nam thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thưa ông?

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

>>Bảo vệ chủ quyền Việt Nam: Không để “sự đã rồi”!

Trong thực tế, do sự chênh lệch rất lớn về hiểu biết và trình độ khoa học công nghệ biển nên chỉ các nước phát triển có nền khoa học công nghệ biển tiến tiến, hiện đại mới có thể ra khai thác, hưởng dụng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển quý giá này.

Cho nên, tồn tại những nhóm lợi ích đan xen liên quan tới vấn đề bảo tồn và sử dụng công bằng đa dạng sinh học biển ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các nước có biển và không có biển.

Là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, đương nhiên Hiệp định về Biển cả - một văn kiện ràng buộc pháp lý sẽ tạo thuận lợi cho các quốc gia có sự chênh lệch về nhiều mặt nói trên được quyền hưởng thụ công bằng các nguồn gene quý từ đại dương.

Đây cũng là cơ hội cho nước ta hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, vươn ra “biển lớn” để tham gia hưởng lợi nhiều nhất các giá trị mà Công ước Luật Biển 1982 và Hiệp định này quy định.

Hiệp định về Biển cả sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đại dương - một lĩnh vực chúng ta còn yếu, trong khi nhu cầu thực tiễn ngày càng tăng.

Việt Nam có cơ hội để phát triển một số ngành kinh tế đại dương phù hợp với nhu cầu và bối cảnh quốc tế, khu vực. Hiệp định này cũng tạo ra cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển. Đó là những cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hiệp định về Biển cả sẽ cung cấp cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam các căn cứ pháp luật để củng cố nhận thức và cùng nhau xem xét, loại bỏ những yêu sách phi lý, lập lại trật tự, giữ vững môi trường hoà bình và các giá trị đích thực của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam tăng cường liên kết phát triển du lịch biển đảo

    02:12, 07/08/2023

  • Phát triển du lịch biển đảo: Lợi thế phát triển kinh tế địa phương

    19:40, 31/07/2023

  • Sức hấp dẫn du lịch biển đảo Cô Tô

    03:00, 20/06/2023

  • Lý Sơn - Kỳ quan biển đảo!

    17:39, 23/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nền tảng pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO