Khi Nga bận rộn bởi cuộc chiến tại Ukraine, vùng Trung Á đã có xu hướng dịch chuyển quan hệ ngoại giao thân thiết hơn với Trung Quốc.
>>Trung Quốc, Mỹ, Nga cạnh tranh quyết liệt ở Trung Á
Nga từng có ảnh hưởng đậm đặc tại Trung Á, vùng đệm giữa 3 châu lục Á - Âu - Phi. Nhưng từ khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Trung Quốc đã đạt được những thành công ngoại giao có tính chất bước ngoặt tại khu vực này.
Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời 5 nhà lãnh đạo các quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đến Tây An dự hội nghị Thượng đỉnh, Bắc Kinh chìa “củ cà rốt” hảo hạng nhất của họ.
Tiệc chiêu đãi, với những nghi thức hơn cả tiêu chuẩn Quốc khách, thậm chí có phần xa hoa. Điều này tạo bước đột phá chính thức của Trung Quốc vào một khu vực mà từ lâu thường được nhắc đến, dù tốt hay xấu, là “sân sau” của Nga.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc Bắc Kinh vừa giành được chiến thắng trong cuộc tranh giành ở Trung Á đã cho thấy mối quan hệ Trung Quốc và Nga hiện nay rất phức tạp. Bắc Kinh chưa hẳn coi Moscow là đồng minh.
“Chủ nghĩa dân tộc” kiểu mới đã được phát huy tối đa trong “ngoại giao chiến lang” và Nga có thể đang trở thành một bên yếu hơn trong mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc, nhưng bất đối xứng với Trung Quốc.
Biến động địa chính trị ở Đông Âu vô tình tách rời Trung Á khỏi Nga. Châu Âu bắt đầu nghi ngờ các quốc gia trong khu vực đóng vai trò “thị trường xám” cho nền kinh tế Nga thông qua con số thương mại giữa EU và Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan tăng lên bất thường.
Ủy ban châu Âu lần đầu tiên đề xuất trừng phạt các công ty trong khu vực, bao gồm 2 công ty từ Uzbekistan và một công ty từ Armenia, vì các công ty này đã cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng cho Nga.
Cuối tháng 2/2023, trong chuyến thăm Kazakhstan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang “theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt”, bao gồm cả với các đối tác Trung Á.
Thực tế đó khiến các quốc gia Trung Á “chùn tay” trong quan hệ ngoại thương với Nga. Bên cạnh đó, không quốc gia nào ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin ở Ukraine. Uzbekistan và Kazakhstan đã tuyên bố sẽ không công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở Donbass.
Lần đầu tiên trong lịch sử Kazakhstan, nơi một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy nhiều người hiện nay không tán thành ảnh hưởng của Nga tại đất nước họ.
Một cuộc khảo sát khác của Central Asia Barometer cho kết quả, 23% người Kazakhstan đồng ý đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến và 27% cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm; trong khi một nửa số người được hỏi còn lại chưa quyết định.
>>Mỹ “ngáng chân” Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương
Trung Á tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Nga để tìm kiếm cơ chế hợp tác năng động hơn, giàu tiềm năng hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm phương án đối trọng với quyền lực Nga đã ngự trị độc tôn quá lâu tại khu vực này.
Vậy Trung Á có ý nghĩa gì với Trung Quốc và cường quốc này sẽ làm gì với Trung Á? Trung Quốc đang khai thác điểm yếu của Nga do cuộc chiến tranh tại Ukraine gây ra và hội nghị thượng đỉnh Tây An là động thái mở đầu của chiến lược này.
Trung Quốc có nhu cầu và năng lực mở rộng tầm ảnh hưởng “cứng” và “mềm” đến vô hạn, có thể diễn ra ở bất cứ đâu có điều kiện thuận lợi. Trung Quốc luôn hướng tới mục tiêu dẫn đầu một cực trong trật tự đa cực mới; xây dựng hệ thống riêng, tách khỏi phương Tây.
Trung Quốc tìm cách thân thiện với Trung Á để giải bài toán an ninh phía Tây đất nước, nơi có các khu vực tự trị, dân tộc, tôn giáo phức tạp mà Mỹ thường xuyên đặt vấn đề với Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế lớn.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc tận dụng Con đường Tơ lụa để củng cố hợp tác với Trung Á
03:30, 29/06/2023
Trung Quốc tìm cách siết chặt quan hệ với Trung Á
04:00, 17/05/2023
Trung Á đẩy mạnh hội nhập để khai phá tiềm năng kinh tế
03:30, 16/05/2023
Mỹ có cạnh tranh được với Nga - Trung tại Trung Á?
03:30, 30/04/2023
Trung Quốc, Mỹ, Nga cạnh tranh quyết liệt ở Trung Á
04:30, 26/04/2023