Liệu rằng Washington chỉ khoanh tay nhìn Nga từng bước đánh chiếm thị trường năng lượng châu Âu?
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức chiều dài hơn 1.200km, trị giá 11 tỷ USD, vận tải 110 tỷ m3 khí mỗi năm sắp hoàn thành. Nhưng một lần nữa, phía Mỹ và một số quốc gia Đông Âu bày tỏ quan điểm trái ngược.
Liệu Moscow và Berlin có thể bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Mỹ? Tương lai dự án đồ sộ này một lần nữa rơi vào bất định? Đó là vấn đề được quan tâm nhất châu Âu thời điểm này.
Trước khi “dòng chảy phương Bắc 2” ra đời đã có đường ống “phương Bắc 1” quy mô bẳng ½ đường ống mới, nối Nga và châu Âu. Nhưng vấn đề là đường ống cũ quá cảnh ở Ukraina, mỗi năm mang lại cho Kiev 3 tỷ USD. Ngoài các quốc gia có “thị phần” trên biển Baltic như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, đường ống cũ còn liên quan đến lợi ích của Slovakia, Czech.
Mặc dù Tổng thống V. Putin khẳng định đây chỉ là dự án kinh tế thuần túy, song giới quan sát tình hình quốc tế cho rằng, dự án mới làm thay đổi đáng kể cục diện châu Âu, trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Một loạt nước châu Âu xem “dòng chảy phương Bắc 2” là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu, làm cho châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga; cho rằng, dự án này thực chất là “sự tư lợi và lợi ích quốc gia của Nga và Đức”.
Vậy, Nga thực sự tính toán gì? Xét mối quan hệ với làng giềng Ukraina, nhiều năm qua Moscow có phần lo sợ và tăng cường kìm tỏa Kiev, trong bối cảnh NATO không ngừng mở rộng về phía Đông, tạo điều kiện để Ukraina gia nhập liên minh quân sự này.
Hay nói cách khác, Nga muốn để dự án này phụ thuộc vào lãnh thổ Ukraina nhằm cô lập nước này, ngăn chặn khả năng Kiev ngả về phương Tây.
Các nước Đông Âu như Litva, Latvia, Estonia, Belarus, Ba Lan là vùng đệm chính trị vô cùng quan trọng với an ninh chính trị, quốc phòng Nga. Vì vậy, “dòng chảy phương Bắc 2” có thể coi là công cụ để Moscow kiểm soát tốt hơn khu vực này.
Nga có dự trữ dầu mỏ và khí đốt thuộc nhóm nhiều nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ họ được nắm quyền điều hành thị trường này. Tất cả nằm trong tay Mỹ và OPEC, Trung Đông thông qua quan hệ đồng minh, chiến tranh súng đạn và tài chính.
Như vậy “dòng chảy phương Bắc 1 và 2” là con đường để Moscow thắt chặt quan hệ với châu Âu, biến lục địa này thành phụ thuộc năng lượng, thông qua đó nâng tầm ảnh hưởng ở châu Âu trong cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Người Mỹ thoạt đầu rất cứng rắn với dự án này, liên tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, mới nhất hồi tháng 5, Washington liệt thêm 13 tàu biển và 1 công ty dịch vụ cứu hộ Nga vào “danh sách đen” vì tham gia dự án.
Rõ ràng, Washington không hài lòng nếu Nga kiểm soát cung cấp năng lượng cho châu Âu, bào mòn thị phần của Mỹ; đồng thời mục tiêu xa hơn là o bế Ukraina không rơi hoàn toàn vào “vòng kim cô” của Moscow. Trên tất cả vì Mỹ có lợi ích chiến lược ở Đông Âu.
Tuy nhiên, 3 năm trôi qua ông V.Putin và bà A. Merkel không hề chùn tay, đến thời điểm này dự án chỉ còn 2% khối lượng. Tổng thống Joe Biden tỏ ra bất lực, cho rằng “biện pháp trừng phạt vào lúc này không có ý nghĩa gì nữa”.
Thật sự chính quyền Joe Biden tiến thoái lưỡng nan trong cách tiếp cận vấn đề này. Nếu làm căng sẽ phật lòng Đức và một số thành viên quan trọng của EU, điều này mâu thuẫn với chiến lược ngoại giao thắt chặt đoàn kết Mỹ - EU.
Nhưng, liệu rằng Nhà trắng chỉ khoanh tay nhìn Nga từng bước đánh chiếm thị trường năng lượng quốc tế?
Có thể bạn quan tâm
Putin và chủ nghĩa dân tộc Nga kiểu mới
06:00, 07/07/2021
Putin và thông điệp của nước Nga
05:43, 23/04/2021
Putin sẽ đưa nước Nga về đâu?
06:00, 17/01/2020
Quyền lực Putin và sự hồi sinh mạnh mẽ của nước Nga
06:40, 06/11/2019
Putin và sự "hồi sinh" quyền lực Nga
11:00, 28/04/2019
Vì sao Trump ngán Putin?
05:15, 21/07/2018