Ngân hàng đẩy mạnh mua lại "bank-bond"

LÊ MỸ 14/05/2023 04:25

Các các ngân hàng lớn như Ngân hàng Quốc tế, Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và BIDV đã đẩy mạnh mua lại trái phiếu ngân hàng (bank-bond) trong tháng 4.

>>Thông tư 2&3 về cơ cấu nợ và ngân hàng mua trái phiếu: Nhà băng nào hưởng lợi?

Ghi nhận tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4, báo cáo của FiinRatings cho biết hoạt động mua lại trái phiếu đã giảm. Tuy nhiên, chiếm vai trò lớn trên thị trường mua lại là các ngân hàng (thay cho bất động sản đã đẩy mạnh hoạt động mua lại trong những tháng trước đây).

Các ngân hàng đẩy lại mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn trong tháng 4. Theo thống kê ngân hàng sẽ có hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5/2023. Ảnh minh họa

Các ngân hàng đẩy lại mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn trong tháng 4. Theo thống kê ngân hàng sẽ có hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5/2023. Ảnh minh họa

Cụ thể, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 đạt gần 11,3 nghìn tỷ VNĐ, giảm 41,61% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại trong tháng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại trong tháng.

Giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại tăng 5,64 lần so với tháng trước và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ các ngân hàng lớn như Ngân hàng Quốc tế, Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và BIDV. Hầu hết các lô TPDN (8/12) được các ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại đúng 1 hoặc 2 năm (2024 hoặc 2025).

FiinRatings cũng ghi nhận, tỷ lệ chậm trả TPDN tiếp tục gia tăng. Theo đó, tính đến ngày 04/5, thị trường đã ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị là 128,5 nghìn tỷ VND, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.

Trong khi đó, về phía phát hành mới, chỉ có một lô trái phiếu phát hành trong tháng 4/2023, điều này khác hẳn với sự sôi động của thị trường tháng 3. Nếu như thị trường ghi nhận đà khởi sắc ở khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023 khi Nghị định 08 có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng trong tổng khối lượng phát hành được cả quý (24.708 tỷ đồng), thìthị trường TPDN tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỷ VNĐ đến từ Công ty Cổ phần North Star Holdings, dẫn đến quy mô phát hành của tháng chỉ tương đương 2,5% so với tháng trước và 2,25% so với cùng kì năm trước. Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản có kỳ hạn 16 tháng với lãi suất 14%/ năm – đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.

>> TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Trái phiếu và KPI

Trước đó, một thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, phần lớn (hơn 98%) trái phiếu được phát hành trong quý I là của khối bất động sản. Lãi suất theo kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Người mua trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

FiinRatings cũng ghi nhận sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành trong đầu tháng 3, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, thị trường TPDN đã ghi nhận một số hoạt động triển khai theo quy định mới này, tập trung vào các doanh nghiệp lớn.

Với tổng khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán cao trong tháng 5 và tháng 6, các chuyên gia dự báo khó khăn của thị trường vẫn còn

Với tổng khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán cao trong tháng 5 và tháng 6, các chuyên gia dự báo khó khăn của thị trường vẫn còn

Theo một chuyên gia đánh giá, với khả năng cơ cấu lại nợ trái phiếu, đàm phán trái chủ giãn kỳ hạn thanh toán, các tổ chức phát hành sẽ giảm bớt áp lực mua lại trái phiếu trong bối cảnh còn khó khăn thanh khoản. Nhiều Tập đoàn bất động sản đã thành công cơ cấu nợ trái phiếu, qua đó, hoạt động mua lại đã giảm như dữ liệu ghi nhận.

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Bộ phận Nghiên cứu Tín dụng của FiinRatings, một yếu tố đáng lưu tâm về mặt chính sách đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đó là Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các NHTM mua lại trái phiếu khi thỏa mãn một số điều kiện. Thông tư này tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các TCTD mua lại TPDN mà không cần chờ sau 1 năm; giúp ổn định tâm lý từ Tổ chức phát hành (TCPH) và Nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Đồng thời, qua động thái mua lại của các NHTM, sẽ giảm tỉ trọng nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên, chuyên gia của Bộ phận Nghiên cứu Tín dụng - FiinRatings cũng đánh giá, với quy định giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng (XHTN) nội bộ cao nhất của TCTD, trên thực tế phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp. Nhiều khả năng điều khoản được nêu sẽ không đáp ứng với nhu cầu cần được mua lại từ các TCPH hiện đang gặp khó khăn thanh khoản (phần lớn không đạt được các tiêu chí XHTN cao).

Ngoài ra, với hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài đến hết năm nay, các TCTD tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trước mắt nhằm giải tỏa áp lực nợ. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN. Hoạt động đẩy mạnh mua lại trái phiếu của các TCTD như dữ liệu ghi nhận trên, cũng cho thấy điều này.

FiinRatings cho rằng áp dụng quy định cũng vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi ngân hàng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp bởi nếu trái phiếu lại quay lại sở hữu bởi ngân hàng, điều đó sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn. Điều này làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, song sẽ giúp thị trường bình ổn trong dài hạn.

"Chúng tôi cho rằng việc thực hiện quy định về doanh nghiệp phát hành được xếp hạng ở mức cao nhất sẽ gặp phải khó khăn do có thể có nhiều cách hiểu trong nội dung này. Xếp hạng tín dụng nội bộ được quy định trong Thông tư 11/2021/T-NHNN do các ngân hàng xây dựng và triển khai, tuy nhiên tại Thông tư 03 mức xếp hạng cao nhất có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong hệ thống tín dụng nội bộ quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nhưng cũng có thể giải nghĩa là mức điểm cao nhất trong nhóm các trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục TPDN chưa niêm yết mà NHTM đã bán, hoặc mức cao nhất trong từng nhóm ngành nghề mà doanh nghiệp phát hành nằm trong nhóm đó. Các NHTM sẽ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai", ông Tùng Anh cùng các cộng sự nhận định.

Theo thống kê của VBMA, trong tháng 5, tổng giá trị trái phiếu là hơn 21.400 tỷ đồng. Trong tháng 6, tổng giá trị trái phiếu đến hạn ước hơn 35.300 tỷ đồng, trong đó, khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thuộc khối bất động sản. Theo đó, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và áp lực đáo hạn dự báo vẫn còn phía trước.

Có thể bạn quan tâm

  • Vàng vẫn bị

    Vàng vẫn bị "đè nén" bới đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ

    11:30, 13/05/2023

  • Thông tư 03/2023/TT-NHNN: Có giải cứu được trái phiếu doanh nghiệp?

    Thông tư 03/2023/TT-NHNN: Có giải cứu được trái phiếu doanh nghiệp?

    03:00, 06/05/2023

  • CII: Phát hành trái phiếu chuyển đổi liệu có tiết kiệm hơn?

    CII: Phát hành trái phiếu chuyển đổi liệu có tiết kiệm hơn?

    05:30, 04/05/2023

  • Khơi thông vốn trái phiếu cho ngân hàng

    Khơi thông vốn trái phiếu cho ngân hàng

    03:49, 03/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng đẩy mạnh mua lại "bank-bond"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO