Bất chấp nhiều địa phương phải giãn cách xã hội trong quý 3, nhưng các ngân hàng vẫn lãi khủng, trong đó đóng góp chính vẫn là mảng tín dụng.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng vẫn còn dư địa cắt giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
FiinGroup ước tính lợi nhuận quý 3 của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước. Nguyên nhân chủ yếu do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, cộng thêm việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của các ngân hàng tăng tới 10,8%.
Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng còn cao hơn nhiều nhờ kết quả tích cực trong quý đầu năm nay. Chẳng hạn như Vietinbank, theo SSI Research, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng này chỉ đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ kết quả kinh doanh đột biến trong quý 1, nên lũy kế 9 tháng, lợi nhuận VietinBank vẫn đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của các nhà băng vẫn đến từ mảng tín dụng. Chẳng hạn thu nhập lãi thuần 9 tháng của NCB đạt tới 1.088 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó phần nào cho thấy NIM của nhiều ngân hàng vẫn ở mức khá cao.
Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện giá vốn đầu vào của các ngân hàng đang ở mức rất thấp nhờ tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có lãi suất rất thấp tăng cao. “Dịch bệnh đã khiến người dân tích cực sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Điều đó mang lại lợi kép cho các nhà băng khi vừa có được nguồn tiền gửi giá rẻ, vừa tăng được nguồn thu dịch vụ”, vị chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, mức độ cắt giảm lãi vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Theo số liệu thống kê của NHNN, lũy kế từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, đạt 43,01% so với cam kết 20.600 tỷ đồng.
Trong khi BIDV giảm lãi cho khách hàng 1.032 tỷ đồng, Vietcombank giảm 943 tỷ đồng và VietinBank 857 tỷ đồng, thì các ngân hàng cổ phần tư nhân chỉ giảm trên dưới 100 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa giảm thêm lãi vay, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn cần mạnh tay hơn trong việc cắt giảm lãi vay và phí dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm