5 ngân hàng quy mô nhỏ – VAB, VBB, KLB, BVB và SGB - đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) giai đoạn 2025– 2026.
Từ ngày 22/7 tới đây, 539,96 triệu cổ phiếu VAB của VietABank sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.250 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu VAB được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 20/7/2021 đến ngày 10/7/2025 thì hủy đăng ký giao dịch. Ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 9/7/2025.
Mới đây, Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietBank (VBB) cũng vừa công bố quyết định chấp thuận việc triển khai phương án niêm yết cổ phiếu VBB tại HoSE. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất trong quý I/2026.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra hôm 15/7, Kienlong Bank (KLB) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh và lộ trình niêm yết, với hiện tại đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn và cơ quan chức năng, đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục trong quý 3 hoặc đầu quý 4/2025.
BanVietBank (BVB) hiện đang niêm yết trên sàn UPCoM, trong kỳ ĐHĐCĐ 2025, thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2024, tăng vốn điều lệ 7.767 tỷ đồng; đồng thời đã thông qua các nội dung liên quan đến việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ UPCoM sang niêm yết tại sàn HoSE.
Saigonbank (SGB) cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE hoặc HNX trong thời gian tới. Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigonbank, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và Ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Dù mong muốn sớm đưa cổ phiếu lên niêm yết, song lãnh đạo Saigonbank cũng cho rằng, “đây là quá trình dài và phức tạp”.
Trên thị trường hiện nay, ghi nhận có 20 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức. Trong đó, 18 cổ phiếu niêm yết trên HoSE, gồm VCB, TCB, CTG, BID, MBB, SHB, TPB, VIB, ACB, HDB, STB, VPB, LPB, SSB, MSB, OCB, EIB, NAB; sàn HNX có 2 mã là NVB và BAB. Với sự dịch chuyển theo kế hoạch 2025-2026 của các mã từ sàn UPCoM và niêm yết mới, ngành ngân hàng hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lượng hàng hóa cho các nhà đầu tư đồng thời có thể nâng thêm tỷ trọng ngành lẫn quy mô vốn hóa chung của thị trường.
VIS Rating nhận định các kế hoạch dự kiến niêm yết trên HoSE của các ngân hàng, như nêu trên đều là các ngân hàng quy mô nhỏ, cho thấy mục tiêu nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn mới, đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.
"Mặc dù lợi ích dài hạn của việc niêm yết là rõ ràng, trong ngắn hạn, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục dựa vào việc phát hành trái phiếu thứ cấp để đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết. Cuối 2024, các ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ vốn cấp 11 trung bình là 8,7%, thấp hơn đáng kể so với trung bình toàn ngành là 10,4%. Dù vậy, các ngân hàng này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16%-20% trong năm 2025 – cao hơn tăng trưởng của toàn ngành" theo VIS Rating.