Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng ráo riết rao bán các khoản nợ là các bất động sản với giá trị “khủng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều năm vẫn chưa có người mua.
>>>Cần cơ chế cởi mở hơn để xử lý nợ xấu
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (HoSE: CTG) vừa thông báo danh sách một loạt tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, chủ yếu là bất động sản ở những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam, VietinBank rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3 - 4 sao trị giá từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.
Đơn cử như ở TP Hội An, nhà băng này rao bán một bất động sản là biệt thự 3 sao có diện tích 686m2 được rao bán 110 tỷ đồng, nhiều khách sạn 3 sao, nhà hàng, homestay khác ở TP Hội An cũng được rao bán từ 33 - 40 tỷ đồng.
Cũng tại thành phố Du lịch nổi tiếng này, VietinBank cũng rao bán nhiều khách sạn 4 sao và bất động sản để thu hồi nợ. Cụ thể, ngân hàng này rao bán một khách sạn 4 sao và quyền sử dụng đất có diện tích hơn 1.000m2, với giá ra bán là 120 tỷ đồng. Một khách sạn 4 sao khác có diện tích trên 1.800 m2 được rao bán 420 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng rao bán một bất động sản diện tích trên 1.700m2, với giá 240 tỷ đồng.
Tại TP Đà Nẵng, VietinBank cũng rao bán một bất động sản là khách sạn 5 sao có diện tích 1.220m2 với giá 600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều bất động sản khác là nhà liên kết, căn hộ, nhà phố...tại 2 địa phương này cũng được VietinnBank rao bán với giá từ vài chục tỷ đồng.
Tại các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, ngân hàng này cũng rao bán nhiều bất động sản với giá từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng để thu hồi nợ.
Theo đó, tại TP.HCM, VietinBank rao bán một bất động sản là đất thương mại dịch vụ đang được cho thuê văn phòng ở quận Bình Thạnh, diện tích hơn 1.000m2 để thu hồi khoản nợ hơn 213 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ trong nửa đầu tháng 6/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (HoSE: BID) cũng đã có cả chục thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Trong đó, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua.
Mới đây nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.
Nhà băng này cũng vừa rao bán khoản nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 633 tỷ đồng. Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum...
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tin – Sacombank (HoSE: STB) cũng thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu của nhiều doanh nghiệp có giá trị từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng này bán đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Và khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.
Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà băng này cũng tiếp tục thông báo bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tải sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú, tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
>>>Đề xuất VNBA thành lập công ty mua bán nợ xấu
Khoản nợ trên phát sinh tại Sacombank và đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 (so với 2% cuối năm 2022). Đồng thời, nợ xấu gộp hiện khoảng 5%, tăng từ mức 4,5% cuối năm 2022.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, đa số ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2022. Tại một số ngân hàng như VietBank, ABBank, VIB..., tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%.
Đối với lĩnh vực bất động sản, theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong 5 tháng đầu năm 2023 có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm tới 61,4% so cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp. Ngoài ra, quý I/2023 doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đang có chiều hướng ra tăng. Do đó, các ngân hàng đang ráo riết rao bán nhiều khoản nợ lên đến hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng để thu hồi nợ cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, rất ít ngân hàng thành công trong việc bán các khoản nợ xấu này, đặc biệt là đối với những tài sản đảm bao là các bất động sản có giá trị lớn. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản đang đóng băng, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là việc huy động vốn để thực hiện các dự án do chính họ đầu tư.
Mặc dù, hiện nay lãi suất cho vay đã giảm, nhưng các doanh nghiệp vẫn không dễ tiếp cận do vướng nhiều thủ tục rườm rà. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện đang chịu áp lực lớn về dòng tiền để trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc bán nợ xấu của các ngân hàng thành công là điều không hề dễ dàng. Nhiều tài sản đảm bảo lớn liên quan đến bất động sản, nhưng giá rao bán lại không theo giá thị trường, các ngân hàng thường cộng cả gốc lẫn lãi vào thì sẽ rất khó bán. Chưa kể còn nhiều vấn đề khác liên quan đến tài sản đảm bảo như các thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản... cũng khiến nhà đầu tư không mặn mà với những tài sản thế chấp của các ngân hàng”, một vị chuyên gia nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Cần cơ chế cởi mở hơn để xử lý nợ xấu
17:27, 14/06/2023
Đề xuất VNBA thành lập công ty mua bán nợ xấu
04:04, 23/05/2023
Nợ xấu ngân hàng đang “đáng ngại” ra sao?
05:10, 22/05/2023
Cấp bách ban hành Luật xử lý nợ xấu
12:00, 21/05/2023
Xử lý nợ xấu: Bế tắc trong việc thu giữ tài sản bảo đảm
00:06, 19/05/2023