Tín dụng - Ngân hàng

Ngân hàng tăng tốc hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng thiệt hại do bão Yagi

Lê Mỹ 21/09/2024 2:10

Các ngân hàng đang chủ động hỗ trợ giảm lãi suất trên cơ sở đánh giá thiệt hại theo số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng do bão Yagi.

Theo số liệu NHNN công bố, đến thời điểm hiện nay, toàn ngành ngân hàng thống kê sơ bộ có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi) với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Mặc dù NHNN yêu cầu rà soát đánh giá thiệt hại và báo cáo trước 20/9, nhưng với hậu quả mà bão Yagi gây ra và công cuộc khắc phục vẫn đang diễn ra, dự báo số thiệt hại có thể còn gia tăng cả về số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng.

nhnn.jpg
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị "các ngân hàng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, nói thật làm thật, tránh tình trạng vay ưu đãi chỉ thấy trên tivi". Ảnh: NHNN

4 ngân hàng có vốn Nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank), với thị phần lớn, mạng lưới khách hàng trải rộng bao gồm ở 26 tỉnh thành chịu ảnh hưởng do bão Yagi, sơ có hàng chục nghìn khách hàng thiệt hại và dư nợ ảnh hưởng lớn. Cả 4 nhà băng lớn này đều đã công bố các kế hoạch hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng thiệt hại, theo báo cáo tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 do NHNN tổ chức.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, dự kiến dư nợ hiện hữu được giảm lãi suất là khoảng 40.000 tỷ đồng, đồng thời đối với các dư nợ phát sinh mới cũng được giảm lãi suất từ 0,5 - 2%, áp dụng đến hết 31/12/2024. Agribank chủ động giảm lãi suất cho 100% khách hàng chịu ảnh hưởng, không thu lãi chậm trả.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết Vietcombank chủ động giảm lãi suất đến 2% cho tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 mà không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.

Tại VietinBank, thống kê có khoảng 40.000 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và 20.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị thiệt hại do bão. VietinBank dành gói hỗ trợ lãi suất 1%, quy mô 100.000 tỷ đồng hỗ trợ ngay với cả khách hàng cũ và mới, áp dụng đến hết năm 2024.

Theo đại diện BIDV, ước tính hơn 1.000 khách hàng chịu ảnh hưởng do bão với dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng. BIDV giảm từ 0,5 - 2% lãi suất tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng này còn triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay khách hàng mới với lãi suất ưu đãi.

Khối NHTM vốn tư nhân như ACB, Bản Việt, LPBank, MSB, HDBank, VPBank, SHB, MB, TPBank… cũng đã vào cuộc rà soát, đánh giá thiệt hại và triển khai các chương trình hỗ trợ gồm cả nguồn vốn và kế hoạch giãn nợ cho khách hàng.

VPBank cho biết sẽ giảm 1% lãi suất hiện hữu với các khoản vay trung, dài hạn và 0,5% lãi suất với khoản vay ngắn hạn cho các khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm tại ngân hàng, từ 13/9 tới 31/12/2024.

Theo đại diện HDBank, ước tính có gần 2.000 tỷ đồng dư nợ và 500 khách hàng bị thiệt hại sau bão. HDBank đã chủ động từ hội sở xuống các đơn vị thuộc 26 tỉnh phía Bắc làm việc trực tiếp với khách hàng để làm căn cứ giãn, hoãn nợ. Ngoài cơ cấu nợ, HDBank còn triển khai gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất, gồm: 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hiện hữu và 7.000 tỷ đồng cho vay mới, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa khách hàng cá nhân.

Theo đại diện MB, để hỗ trợ đối với khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, ngân hàng có chính sách giảm tối đa 2% nhưng sẽ được phân loại theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính, giảm 0,5 -1% khoản vay ngắn hạn, giảm 1-2% khoản vay trung, dài hạn. Chương trình áp dụng đến hết 2024. Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường và sắp tới bổ sung thêm gói 7000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Đồng thời Công ty Bảo hiểm của MB cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.

Tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM duy trì xu hướng tăng trưởng, với sự phục hồi của thị trường bất động sản chung. Ảnh minh họa
Thiệt hại kinh tế do bão Yagi gây ra dự báo nếu thống kê đủ có thể lên tới 2,5 tỷ USD. Càng khó khăn, sự chung tay với nguồn lực ngân hàng càng quý giá. Ảnh minh họa

Ông Hồ Nam Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc LPBank cho biết, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay với tổng quy mô dư nợ lên tới 29.700 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 63.200 khách hàng tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. LPBank cũng có gói cho vay cho khách hàng mới 8.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất cho vay dự kiến lên đến 85 tỷ đồng.

SHB là một trong những ngân hàng mạnh tay hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Theo Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB, tính đến ngày 17/9, ngân hàng có 194 khách hàng cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng tương ứng với dư nợ khách hàng cá nhân là 355,2 tỷ đồng. Đối khách hàng doanh nghiệp, có 57 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp với tổng dư nợ là hơn 1.415 tỷ đồng. Bên cạnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, SHB triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả từ ngày 1/9 đến 31/12/2024. Đặc biệt, với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng. Đồng thời cũng cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, đến hết ngày 31/12/2024.

Tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam, cùng với thực hiện cơ cấu nợ, ngân hàng miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng do bão, mức giảm tối đa 1% với khách doanh nghiệp và đến 1,5% với khách hàng cá nhân vay vốn bị thiệt hại do bão…

“Hầu hết các ngân hàng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và chủ động xây dựng các gói hỗ trợ. Các gói đưa ra rất tích cực, hầu hết giảm từ 1 - 2%, có ngân hàng giảm đến 50% lãi hiện tại tùy theo mức độ thiệt hại, chủ động giảm không chờ khách đề nghị như Vietcombank, Agribank..., ngân hàng quy mô nhỏ cũng có chính sách rất tích cực, thời gian hỗ trợ kéo dài đến hết năm, có đơn vị đến sang cả đầu năm sau", Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá.

Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông cũng đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với năng lực của mỗi tổ chức tín dụng trên tinh thần tích cực, tập trung vào chính sách giãn, hoãn thời hạn trả nợ, chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tạo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn vốn hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ...

NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách một cách hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong thực hiện triển khai chính sách tín dụng dành cho người dân. NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan như: trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ cơn bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó xây dựng Chương trình hành động ngành Ngân hàng để ban hành cho các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện, Phó Thống đốc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng tăng tốc hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng thiệt hại do bão Yagi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO