Về mặt chính sách, các tổ chức tín dụng đang được tạo thuận lợi đáng kể để có điều kiện đẩy mạnh tín dụng, tăng giải ngân kể từ đầu tháng 9 - tháng cuối của quý 3/2023.
>>>Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN
Trong thời gian này, có 2 thông của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.
Theo đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06), nếu không tính những quy định được cho là nút thắt mở rộng vốn vay từ phía ngân hàng và “gây khó” cho việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân và đã được tạm ngưng hiệu lực các quy định này tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN, thì đây vẫn là Thông tư có nhiều nội dung hỗ trợ tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng.
Về chủ trương chung, Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Về các quy định cụ thể, Thông tư 06 có bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là một trong những quy định căn bản để các TCTD đẩy mạnh cho vay online, một phương thức mà thực tế đã được triển khai song hầu hết đều sẽ theo cách là tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và thông báo các bước đầu qua online, khách hàng vẫn đến phải đến ngân hàng để bổ sung hồ sơ hoàn tất, thủ tục trước hoặc sau giải ngân (tùy quy định từng ngân hàng).
Ngoài ra, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: Vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...), Thông tư 06 quy định khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.Tuy nhiên, đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
>>>Ngân hàng Nhà nước ngưng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023
Điều này cũng tạo thuận lợi đáng kể cho TCTD lẫn phía người vay khi giải quyết hồ sơ để giải ngân cho các nhu cầu, mục đích này.
Bên cạnh đó, Thông tư 06 còn bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Như vậy, với việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có). Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên làn sóng “cạnh tranh lãi suất” theo chiều giảm để giữ chân khách hàng và cũng tạo thuận lợi cho khách hàng “đảo nợ”, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu.
Đây là điểm mới thay vì, tại Thông tư 39 trước đây, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Sự tiên phong của Vietcombank trên thị trường khi ra mắt sản phẩm cho vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, hứa hẹn tới đây sẽ còn nhiều ngân hàng bung các chương trình tương tự.
*Thông tư 10/2023/TT-NHNN
Được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 06 ngay trước thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực, hiện thị trường đang có 2 Thông tư liên tiếp và có tính bổ sung, sửa đổi nhưng song song có hiệu lực cùng ngày 1/9/2023, đó là Thông tư 10/2023/TT-NHNN.
Theo đó, Thông tư số 10/2023 có quy định là hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư 06 sẽ được tạm ngưng thay vì áp dụng từ1/9/2023.
Những nhu cầu vốn không được phép cho vay theo Khoản 8,9 và 10 của Thông tư 06 bao gồm: (1) Để góp vốn, mua phần góp vốn của công ty tư nhân và công ty cổ phần chưa đăng ký giao dịch trên UPCOM; (2) Để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và; (3) Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp đáp ứng các điều kiện cụ thể.
Mặc dù Thông tư 10 không có tính thay đổi, bổ sung hoàn toàn với Thông tư 06 và Thông tư 06 cũng đã không được thu hồi như kiến nghị của một số tổ chức liên quan Thông tư 10/2023 vẫn cho thấy rõ việc thực hóa chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung.
Theo đó, việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.
Cũng với đó, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới.
Như nhiều đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có thể hưởng lợi từ Thông tư này; tuy nhiên, các quy định này có tác động đến ngành ngân hàng, tôi cho rằng các điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6) và ở những ngân hàng có khẩu vị/ quan hệ với bất động sản. Những ngân hàng đang có dư nợ cho vay bất động sản cao vẫn sẽ phải khá thận trọng.
Ngoài ra, các quy định của Thông tư 10 không hoàn toàn có tác động tích cực với phía người vay mua trên thị trường bất động sản nên trên thực tế, phía cầu sẽ không được kích thích đáng kể hay không nhận được “đòn bẩy” tín dụng cần có.
Nửa cuối 2023 đang ngày càng hẹp lại với chỉ còn chính xác 4 tháng để các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân tín dụng. Có một số các yếu tố vĩ mô cho thấy các ngân hàng sẽ có điều kiện tận dụng chính sách và môi trường chung để mạnh giải ngân cho vay khi:
Nhu cầu vốn kỳ vọng sẽ tăng cao khi các trụ cột của tăng trưởng kinh tế đều kỳ vọng tích cực hơn.
Thứ nhất, đó là xuất khẩu tiếp tục có tháng tăng trưởng (tính đến hết tháng 8/2023), hứa hẹn sẽ phục hồi; Các thị trường bên ngoài đang giảm hàng tổn kho và có tín hiệu hồi phục nhu cầu ở 1 số ngành thiết yếu.
Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ thẩm thấu các chính sách tài khóa (như giảm thuế VAT) và càng phục hồi về cuối năm cho đến mùa lễ tết.
Thứ ba, đầu tư công đang được đẩy mạnh giải ngân và tín hiệu liên tiếp với các dự án trọng điểm được khởi công trong dịp lễ qua, sẽ tạo hiệu ứng trực tiếp và gián tiếp để thúc đẩy nhu cầu đầu tư - chi tiêu, hỗ trợ tăng trưởng.
Lưu ý, mặc dù vậy, những yếu tố tồn dư của thị trường như dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng đã cao; nợ xấu và nợ có khả năng trở thành nợ xấu cao, chất lượng tài sản hao mòn trong bối cảnh triển vọng kinh doanh chung chưa hoàn toàn lạc quan, chắc chắn vẫn sẽ khiến các TCTD thận trọng đối với từng khoản vay. Hơn ai hết, các ngân hàng sẽ thấm nhuần chủ trương “không hạ chuẩn tín dụng” bởi chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm về đồng vốn kinh doanh trước cổ đông, người gửi tiền. Do đó, mục tiêu tín dụng tăng trưởng tới 14-15% của năm nay, sẽ khá thách thức.
Có thể bạn quan tâm
Các giải pháp để tổ chức tín dụng thực thi nhiệm vụ chính sách, ngoại hối
11:00, 01/09/2023
Thông tư 10/2023 tác động ra sao đến dòng tín dụng?
05:30, 26/08/2023
Ngân hàng tung loạt gói tín dụng thúc đẩy thị trường bất động sản
01:00, 25/08/2023
NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay
12:00, 03/09/2023