Ngành Công nghệ Thông tin: Triển vọng vững chắc trong dài hạn

ĐÌNH ĐẠI 03/01/2024 02:50

Mặc dù được đánh giá tích cực, nhưng doanh nghiệp ngành CNTT vẫn đối diện với những rủi ro do ảnh hưởng diễn biến của thị trường vĩ mô hoặc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.

>>>Ngành Công nghệ thông tin: Không thiếu việc làm, chỉ lo không làm được việc

Triển vọng ngành CNTT được đánh giá tích cực trong năm 2024.

Triển vọng ngành CNTT được đánh giá tích cực trong năm 2024.

Công ty Chứng khoán BKSV cho biết, theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) tính chung 10 tháng 2023 ước đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương 113,8 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), tính đến tháng 9/2023 ước đạt 73.500 doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ, tăng 700 doanh nghiệp so với tháng 8/2023.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, thế giới gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia chưa có dấu hiệu phục hồi. Thị trường tiêu dùng CNTT giảm sút với khả năng tăng trưởng thấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ CNTT nói riêng khi các đơn hàng xuất khẩu CNTT của Việt Nam cũng sụt giảm.

Từ tháng 7/2023, tình hình kinh tế toàn cầu dần cải thiện đã giúp thị trường xuất khẩu phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử trong quý III/2023 đã tăng mạnh 10% so với cùng kỳ; tỷ giá USD/VND tăng cao giúp thu hẹp đà giảm của doanh thu lũy kế năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Mảng xuất khẩu phần mềm chưa có dấu hiệu giảm tốc khi doanh thu CNTT nước ngoài của FPT (chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu phần mềm) tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Đánh giá về triển vọng ngành công nghiệp CNTT năm 2024, KBSV cho biết, theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực CNTT trong 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5,1 nghìn tỷ USD. Sự tăng lên này đến từ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13.8% và 10.4%.

Về dài hạn, KBSV cho rằng, chi tiêu cho lĩnh vực CNTT sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ: Sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; Thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm CNTT; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.

Công ty Chứng khoán này cũng kỳ vọng vào tăng trưởng của thị trường Châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới bởi: Đây là những thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ và nhanh nhạy với công nghệ; Nhu cầu chuyển đổi số duy trì tích cực, đặc biệt tại Nhật Bản từ sau giai đoạn Covid-19. Các doanh nghiệp muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh từ mô hình truyền thống; Chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại khu vực này.

Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU sẽ phục hồi về nhu cầu chi tiêu cho lĩnh vực CNTT. Làn sóng sa thải nhân sự CNTT đã kết thúc tại Mỹ và kỳ vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong 2024. Bên cạnh đó, theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực CNTT cho EU sẽ đạt tăng trưởng 9,3% trong 2024, phục hồi từ mức thấp trong 2023 (5,3%).

KBSV lưu ý rằng, Mỹ và EU vẫn là khu vực đứng đầu thế giới trong đầu tư cho CNTT. Theo đánh giá của IDC (công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn công nghệ tại Mỹ), chi tiêu cho chuyển đổi số tại EU sẽ tăng trưởng nhanh với mức CAGR 16% cho giai đoạn 2023-2027. Vì vậy, triển vọng cho các doanh nghiệp CNTT tại đây còn lớn, đặc biệt như FPT có năng lực cạnh tranh về chi phí nhân sự và đang mở rộng thâm nhập vào 2 thị trường này.

Bên cạnh đó, KBSV cũng đánh giá, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn vì dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng. Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 1,04 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức 561 triệu USD vào năm 2022 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 10,7%.

“Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, tương lai của 5G và luật nội địa hóa dữ liệu”, KBSV đánh giá. Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng duy trì quan điểm tích cực đối với ngành CNTT trong năm 2024.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành Công nghệ thông tin: Không thiếu việc làm, chỉ lo không làm được việc

    Ngành Công nghệ thông tin: Không thiếu việc làm, chỉ lo không làm được việc

    01:00, 01/07/2023

  • Ngành công nghệ thông tin chớp thời cơ bùng nổ

    Ngành công nghệ thông tin chớp thời cơ bùng nổ

    02:00, 27/02/2022

  • Cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin và hành trình khởi nghiệp mảng công nghệ

    Cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin và hành trình khởi nghiệp mảng công nghệ

    05:13, 04/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành Công nghệ Thông tin: Triển vọng vững chắc trong dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO