Ngành công nghệ Việt Nam đã có một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, nhiều lần hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Song, thế cân bằng đó đang dần thay đổi.
Cú sốc mới nhất đến từ Washington, khi chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Dù mới đây Tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, tình hình bất định hiện nay đang khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang.
Câu hỏi đặt ra: Ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ ứng phó thế nào trước cú sốc thuế quan này?
Theo Statista, doanh thu ngành bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 21,45 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Với đà phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, mức thuế 46% của Hoa Kỳ nếu được áp dụng sẽ đe dọa nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm bán dẫn Việt Nam tại thị trường xuất khẩu lớn nhất này.
Động thái trên buộc các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam phải cân nhắc lại chiến lược vận hành và xuất khẩu. Điều này có thể kéo theo sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao do phải tìm thị trường hoặc nguyên liệu thay thế và tâm lý e ngại từ các nhà đầu tư quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp như Luxshare, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, đang xem xét việc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, để giảm thiểu tác động từ thuế quan. Nếu xu hướng này lan rộng, Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Không chỉ dừng ở chất bán dẫn, các mặt hàng điện tử như điện thoại, máy tính xách tay và thiết bị gia dụng, vốn là trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, cũng đang chịu áp lực nặng nề. Người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng thận trọng với giá cả, trong khi các nước như Ấn Độ, Mexico và Đông Âu lại được hưởng mức thuế ưu đãi hơn.
Việt Nam hiện giữ vai trò đặc biệt trong khu vực với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối cho các sản phẩm điện tử cao cấp. Các “ông lớn” như Foxconn, Samsung, LG Electronics, Intel và Luxshare không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường xuất khẩu ít rủi ro. Chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ đang thách thức trực tiếp mô hình này.
Trong khi các tập đoàn toàn cầu có thể chuyển hướng sản xuất hoặc chịu đựng thua lỗ ngắn hạn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn đảm nhận vai trò sản xuất linh kiện hoặc gia công, sẽ rất khó khăn để trụ vững.
Chính phủ Việt Nam chọn con đường ngoại giao, tránh đối đầu và thậm chí dỡ bỏ một số thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Hoa Kỳ để duy trì quan hệ hợp tác.
Việc áp thuế cao tạo ra môi trường đầu tư thiếu ổn định, làm suy giảm sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả những tập đoàn lớn như Foxconn, Samsung và LG Electronics có thể xem xét hoặc điều chỉnh kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Theo Reuters, một số nhà sản xuất đã bắt đầu khảo sát khả năng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang những quốc gia không bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.
Các nhà đầu tư từng coi Việt Nam là điểm sáng ổn định giữa biến động địa chính trị toàn cầu giờ đây đang thận trọng hơn. Trong khi đó, Việt Nam đang chuyển mình từ vai trò lắp ráp cơ bản sang sản xuất linh kiện công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn như chip bán dẫn, cảm biến và phần cứng AI – những lĩnh vực phụ thuộc đáng kể vào đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Cánh cửa cho bước nhảy vọt này có nguy cơ khép lại nếu niềm tin của nhà đầu tư không được duy trì.
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Hoa Kỳ đã trở thành một điểm yếu chiến lược. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với EU, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN – nơi nhu cầu về điện tử và bán dẫn đang gia tăng trong bối cảnh thương mại ổn định hơn.
Muốn vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp chi phí thấp sang một quốc gia sáng tạo công nghệ. Điều này đòi hỏi thu hút vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng hệ thống phòng sạch, và mở rộng năng lực sản xuất chip trí tuệ nhân tạo để Việt Nam không chỉ là nơi “lắp ráp” mà còn là nơi “thiết kế và phát minh”.
Song song đó, doanh nghiệp cần tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng thông qua truy xuất nguồn gốc, công nghệ blockchain và tìm kiếm nguồn cung nội địa. Đây không chỉ là biện pháp ứng phó với các rào cản thuế quan, mà còn là chiến lược dài hạn để nâng tầm thương hiệu "Made in Vietnam".
Các công ty có thể vượt qua cú sốc nếu biết tối ưu chi phí vận hành bằng cách áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu dự đoán để tinh gọn sản xuất, giảm lãng phí và duy trì lợi nhuận mà không phải cắt giảm nhân sự.