Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Truth Social tuyên bố hoãn áp thuế 90 ngày với hơn 75 nước, cũng như hạ thuế đối ứng xuống 10%.
Khoảng nửa ngày sau khi thuế đối ứng được khởi xướng áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực và sau khoảng 6 giờ Trung Quốc thông báo áp thuế với hàng hoá Mỹ lên 84% để đáp trả, ông Trump thông báo giảm thuế còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với một số nước "không trả đũa", còn Trung Quốc bị tăng thuế lên 125%.
Ông ra quyết định này bởi hơn 75 quốc gia đã liên lạc với giới chức Mỹ để đàm phán thoả thuận thương mại. "Những quốc gia này đã không trả đũa, đúng với đề nghị của tôi", ông Trump viết. Tuy nhiên, Nhà Trắng nói sẽ không công bố danh sách các quốc gia đã liên hệ đàm phán về thuế quan.
Ông Trump cũng cho hay quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày được đưa ra sau cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cho biết ông có ý định thực hiện "thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người", theo CNN.
“Một thỏa thuận sẽ được thực hiện với Trung Quốc. Thỏa thuận đó sẽ được thực hiện với tất cả mọi người trong số họ, và đó sẽ là những thỏa thuận công bằng. Tôi chỉ muốn công bằng. Đó sẽ là những thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người" - ông Trump cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Bessent cũng nói thêm rằng, ông Trump muốn trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán thuế quan. "Mỗi cuộc sẽ diễn ra riêng biệt, được thiết kế cho từng quốc gia", Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay.
Trước đó, thuế đối ứng áp dụng với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, theo công bố ban đầu của ông Trump, có hiệu lực từ 9/4 với thuế suất 11-84%, trong đó mức thuế áp lên Việt Nam là 46%.
Trước thông tin này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm "rất hiệu quả" với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính phủ Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các bước chủ động nhằm thể hiện cam kết thực chất trong việc xử lý mất cân bằng thương mại, đồng thời tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đang gặp phải. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến Mỹ để có cuộc gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer để đàm phán về vấn đề này.
Tại cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị, mặc dù Hoa Kỳ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày, nhưng hai nước cần sớm đàm phán một thoả thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ chia sẻ những lý do và thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ buộc chính quyền Tổng thống Trump phải thực hiện chính sách thuế quan như vừa qua, giải thích mức thuế cao mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt đối với Việt Nam là do mức độ thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ với Việt Nam.
"Hoa Kỳ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thoả thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay", Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer khẳng định.
Đặc biệt, trong những ngày qua, cùng với các hoạt động, các cuộc họp của Chính phủ, bộ ngành liên quan về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng; VCCI với tư cách là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ; đồng thời cũng gửi thư tới Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ASEAN, Phòng Thương mại Los Angeles, Phòng Thương mại San Francisco… với mong muốn các đối tác ủng hộ vận động Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối với Việt Nam. Sau khi nhận được thư của VCCI, nhiều tổ chức phản hồi và đồng thuận với quan điểm, đề xuất của VCCI.
Đáng chú ý, VCCI đã cùng với AmCham gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bày tỏ: “Mặc dù thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân của sự gia tăng này dường như đến từ môi trường đầu tư thuận lợi và xu hướng dịch chuyển, đánh giá lại chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo an toàn”. Chính vì vậy, VCCI và AmCham cho rằng “nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp”.
VCCI đồng hành cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ sự mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tăng cường đối thoại; tạm hoãn việc áp mức thuế mới (khoảng 2-3 tháng) trong thời gian hai bên tiến hành đàm phán, tìm được tiếng nói chung.
“Thuế suất thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và đối với các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ sẽ giúp ích cho các công ty, nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ", AmCham và VCCI cho biết. Đồng thời cho rằng, việc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như đối với các hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Mỹ mới chính là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng Hoa Kỳ.
VCCI và AmCham khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các khó khăn về thương mại số, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan – thuế, mua sắm chính phủ, quản lý và bảo mật dữ liệu, và nhiều lĩnh vực khác.
"Một thỏa thuận nhanh chóng và công bằng sẽ giúp tạo ổn định cho doanh nghiệp và góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng cán cân thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi" - VCCI nêu.