Một khảo sát về ngành dệt may Việt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 chỉ rõ, lao động phổ thông có tỷ trọng tới 84,4% - là một bất cập lớn, bởi đây là điều kiện để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển…
Khảo sát được thực hiện thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước do Tập đoàn dệt may Việt Nam, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Viện nghiên cứu Dệt May và Viện Kinh tế & Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện với trên 100 doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần còn vốn Nhà nước…
Rào cản… cản doanh nghiệp
Kết quả khảo sát cho thấy, để tiếp cận được với CMCN 4.0 ngành dệt may Việt Nam phải vượt qua rất nhiều thách thức. Bên cạnh khó khăn do nguồn nhân lực có trình độ Đại học chỉ gần 5%; trên đại học 0,1%; cao đẳng/trung cấp 10,6% thì mức độ đáp ứng của hệ thống quản lý tại doanh nghiệp cũng còn khá thấp.
Nếu tính theo thang điểm 5 thì mức độ đáp ứng CMCN 4.0 của hệ thống quản lý trong ngành sợi đạt 2,61 điểm; dệt là 2,46; nhuộm 2,83; may 3,11. Đáng lo ngại, mức độ sẵn sàng để hội nhập với 4.0 của ngành sợi là cao nhất đạt mức 3,02; ngành dệt 2,4; ngành nhuộm 2,3 và ngành may 2,85.
Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nếu đối chiếu với nghiên cứu của Hiệp hội chế tạo máy và thiết bị Đức (VDMA) thì thấy, thang điểm 1 là doanh nghiệp mới chập chững bước chân vào CMCN 4.0; thang 2-3 là bắt đầu học để làm 4.0; thang 4-5 là những doanh nghiệp đã có xác lập hẳn mục tiêu, chiến lược và tổ chức phát triển đầy đủ các cấu phần của nhà máy thông minh trong cuộc CMCN 4.0.
“Như vậy, với khảo sát trên, ngành sợi cao nhất mới đạt ở mức 2, đồng nghĩa là ngành đã có một phần đầu tư vào 4.0 nhưng chiến lược, mục tiêu dài thì chưa có”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, rào cản về nguồn vốn đầu tư để ứng dụng thành quả 4.0 cũng không hề nhỏ bởi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Hiệp, những doanh nghiêp dệt may hiện nay có vốn trên 50 tỷ chỉ chiếm 15%, còn tất cả những doanh nghiệp có vốn dưới 50 tỷ không đủ tiềm lực để đầu tư 4.0 trong thời gian ít nhất 10 năm nữa. Và doanh nghiệp có vốn 50 tỷ chỉ là vốn chủ sở hữu, còn tài sản kinh doanh là 30% vốn chủ, còn 70% là vốn vay. Tức là nhu cầu đầu tư 4.0 chỉ xảy ra với những doanh nghiệp may có vốn từ 50 tỷ và từ 100 tỷ với doanh nghiệp dệt, sợi, nhuộm.
Có thể bạn quan tâm
14:33, 24/07/2019
14:37, 26/06/2019
08:49, 22/06/2019
19:39, 12/06/2019
00:20, 24/05/2019
Phân tích kỹ hơn, ông Hiệp cho rằng, suất đầu tư truyền thống với lĩnh vực may khoảng 60-150 triệu/chỗ làm việc; còn với 4.0 – tự động hoá hoàn toàn mức đầu tư lên tới 1,0-1,1 tỷ/chỗ làm việc (tăng 10-20 lần so với đầu tư truyền thống); nếu tự động hoá từng phần mức đầu tư gấp 2-3 lần so với truyền thống.
Tác động tích cực của 4.0 đến ngành dệt may
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, tác động của cuộc CMCN 4.0 đến ngành dệt may giai đoạn 2019-2030 đó là xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, là xu thế cá nhân hoá sản phẩm, tức là sản xuất hàng loạt nhưng phải theo nhu cầu cá nhân, và xu thế đặt cảm biến để thu thập dữ liệu số hoá trong các thiết bị dệt may, xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hoá, tự động hoá trong ngành dệt may đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may sản phẩm cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D). Theo ông Hiệp, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải theo xu thế này để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Cũng theo tính toán của khảo sát, tác động của CMCN 4.0 đến năng suất lao động ở các ngành là khác nhau. Ước tính ngành sợi tăng khoảng hơn 3 lần so với công nghệ truyền thống; ngành dệt tăng 2,2 lần; ngành nhuộm tăng 2,3 lần. Riêng ngành may với sản phẩm áo thun (T-shirt) chỉ có 8 công đoạn ước tính năng suất tăng gấp 3,5 lần so với hiện tại, nhưng với các sản phẩm thời trang như jacket, veston, quần... mức độ phức tạp hơn (với 80 công đoạn như jacket) thì năng suất tối đa chỉ tăng 15-20%, vì nhiều công đoạn bắt buộc sử dụng sự khéo léo của người lao động.
Ngoài ra, phân tích về tác động của 4.0 đến chất lượng sản phẩm ngành dệt may Việt Nam, khảo sát chỉ rõ, với ngành sợi tỷ lệ sản phẩm lỗi trung bình của phương thức sản xuất ứng dụng 4.0 là 1-1,5% so với phương thức sản xuất truyền thống là 2%; với may 3-5% trong khi may truyền thống tỷ lệ lỗi 5-8%...
Cuộc CMCN 4.0 cũng tác động mạnh mẽ tới nguồn nhân lực của dệt may. Báo cáo cho rằng, nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý cấp cao tăng lên nhằm đáp ứng kỹ năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng lập chiến lược kinh doanh- đầu tư với sự trợ giúp của công nghệ AI, PLM, ERP; hệ thống xử lý ảo trên từng thiểt bị và kết nối toàn nhà máy…
“Đã đến lúc doanh nghiệp cần đặt ra bài toán, đầu tư mới nên chọn mô hình nào, cập nhật công nghệ nào? Nâng cấp từng đoạn theo tài chính của doanh nghiệp, thứ tự ưu tiên của nâng cấp từng ngành sợi, dệt, may... Đặc biệt, cần tính toán xem sự tồn tại của mô hình cũ được bao lâu, mô hình cũ để phục vụ loại sản phẩm nào, đối tượng khách hàng nào?”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may khuyến cáo.