MBS nhận định rằng điện là ngành chịu ảnh hưởng chậm nhất trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay...
Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành đã tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam ở hầu hết các ngành nghề. Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS), thì điện là ngành chịu ảnh hưởng chậm nhất trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Tăng trưởng tiêu thụ điện Việt Nam trong 2 tháng đầu 2020 đạt mức 7,5% so với cùng kỳ 2019, riêng tháng 2/2020 tiêu thụ điện cả nước tăng 24% cùng kỳ. Trường hợp tăng trưởng sản lượng điện tiêu dùng duy trì mức 7,5% cho cả năm 2020, thấp hơn so với tăng trưởng dự kiến ban đầu 9,1%, EVN có thể điều chỉnh giảm tỷ trọng huy động điện từ nguồn điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao. Theo đó, sản lượng huy động từ các nguồn điện khác bao gồm thủy điện, nhiệt điện khí và than sẽ không bị ảnh hưởng.
Trường hợp tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, MBS cho rằng việc phát triển các dự án mở rộng nguồn điện và hệ thống truyền tải điện sẽ chậm tiến độ dẫn đến áp lực trong việc cung ứng điện giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh các khó khăn nội tại của ngành điện Việt Nam về vấn đề giải phóng mặt bằng và huy động vốn đầu tư, diễn biến dịch bệnh làm cho việc tương tác với các chuyên gia, đối tác, cũng như việc nhậu khẩu các thiệt bị chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc bị gián đoạn, làm chậm tiến độ thi công.
Trong 2020, tình hình sản suất thủy điện có khả năng sụt giảm đáng kể ít nhất trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối năm. Mực nước tại các sông chính khu vực miền Trung và miền Nam tính đến đầu tháng 3/2020 đang thấp hơn 51% so với số liệu đầu 2020.
Đặc biệt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, lưu lượng nước đến các hồ thủy điện thấp hơn 44% so với đầu 2020. Dự phóng lợi nhuận các công ty thủy điện giảm bình quân 13% trong 2020 và tăng mạnh trở lại trong 2021.
Trước đó, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống thời gian tới, đặc biệt là mùa khô năm nay trong bối cảnh nhiều hồ thủy điện trên cả nước đang khô hạn, Cục đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường vận hành các hồ thủy điện nhằm góp phần sử dụng nước có hiệu quả nhất cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt gắn với phát điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, dự báo nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống là rất lớn nên ngay từ đầu năm Bộ Công Thương đã dự báo khả năng sẽ căng thẳng về nguồn điện từ năm 2020.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã chậm lại, nhu cầu điện có giảm đi nên tình hình căng thẳng điện chưa diễn ra. Tuy nhiên, về lâu dài, tình hình khó khăn về điện là rõ ràng.
Do vậy, cùng với việc yêu cầu EVN đảm bảo cung ứng đủ điện trong sản xuất và đời sống trong thời gian trước mắt, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng tiến độ các công trình điện.