[NGÀNH LOGISTICS VƯỢT “BÃO” COVID-19] Cần trợ lực để phục hồi “hậu dịch”

Nguyễn Việt 29/04/2020 12:21

Dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mùa dịch COVID-19, do hoạt động ngoại thương bị “đóng băng”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang dồn lực tái cơ cấu để sẵn sàng khai thác và tận dụng hiệu quả mọi cơ hội có được trong thời kỳ hậu dịch.

VLA kiến nghị không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh chấm dứt.

VLA kiến nghị không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh chấm dứt.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Một số vấn đề phát sinh khác như một số khách hàng Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng trả nợ cho chủ hàng, nhà cung cấp Việt Nam kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán cho doanh nghiệp logistics.

Tê liệt vì ngoại thương “đóng băng”

Với vận tải tàu biển, các tuyến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác đều giảm tàu nối tất cả các tuyến, ảnh hưởng đến lịch xuất hàng và chất lượng dịch vụ. Hầu hết hàng nhập trên các tuyến về Việt Nam giảm mạnh, một số thị trường khác bị kiểm dịch gắt gao. Các thủ tục vận hành từ thị trường khu vực châu Á và một số khu vực khác chậm trễ hơn so với bình thường.

Có thể bạn quan tâm

  • [NGÀNH THÉP VƯỢT “BÃO” COVID-19] Chủ động thay đổi cơ cấu thị trường

    [NGÀNH THÉP VƯỢT “BÃO” COVID-19] Chủ động thay đổi cơ cấu thị trường

    04:09, 28/04/2020

  • [NGÀNH DỆT MAY VƯỢT “BÃO” COVID-19] Tồn tại đồng nghĩa với “chiến thắng”

    [NGÀNH DỆT MAY VƯỢT “BÃO” COVID-19] Tồn tại đồng nghĩa với “chiến thắng”

    11:00, 27/04/2020

  • [NGÀNH THỦY SẢN VƯỢT “BÃO” COVID-19] Ngân hàng cần “nới lỏng” các khoản vay

    [NGÀNH THỦY SẢN VƯỢT “BÃO” COVID-19] Ngân hàng cần “nới lỏng” các khoản vay

    04:58, 26/04/2020

  • [NGÀNH GỖ VƯỢT “BÃO” COVID-19] Lấp “khoảng trống” thị trường nội địa

    [NGÀNH GỖ VƯỢT “BÃO” COVID-19] Lấp “khoảng trống” thị trường nội địa

    11:00, 24/04/2020

Đối với đường hàng không, các hãng hàng không hiện nay đều hủy các tuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, đồng thời hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường. Trong khi đó, các tuyến biên giới đều khó để kiếm được nhà cung cấp vận chuyển. Lượng hàng giảm dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30%.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tùy theo loại hình dịch vụ bị giảm sút về các hoạt động và doanh thu. Dịch vụ vận tải hàng không và đường bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Khoảng 80% hội viên của Hiệp hội là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cho nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ngừng mọi hoạt động; nhiều lao động bị giãn và mất việc nếu đại dịch kéo dài thêm”, ông Lê Duy Hiệp lo ngại.

Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS), chia sẻ, dịch Covid-19 đã làm cho lượng đơn hàng đường thủy, đường bộ của công ty giảm mạnh. Do đơn hàng giảm, nên ILS phải bố trí cho nhân viên làm việc từ xa. Một bộ phận, nhất là tài xế phải nghỉ luân phiên để phòng, chống dịch. “Để giữ chân nhân viên, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch, dù khó khăn do doanh thu giảm mạnh, ILS vẫn phải cố gắng duy trì chế độ cho người lao động”, ông Toàn cho biết.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp logistics đã biết lựa chọn những lợi thế để vượt qua dịch Covid-19. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại giao nhận vận tải HNT chủ yếu làm về mảng ủy thác xuất khẩu cho các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Do vận chuyển đường bộ bị chậm nên nhiều doanh nghiệp đã dồn về đường biển, điều này khiến cho đơn hàng của công ty tăng mạnh. Bà Nguyễn Thị Thảo Ngân, Giám đốc Công ty HNT cho biết, so với cùng kỳ năm trước, số đơn hàng vận chuyển tăng lên 200 - 300 container/tháng, thậm chí có tháng tăng lên cả nghìn container.

Thế mạnh chủ yếu của doanh nghiệp khi làm dịch vụ logistics là các mặt hàng nông sản, trái cây. Theo bà Ngân, đây đều là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nên sức mua vẫn duy trì khá, do các công ty nông sản vẫn có đơn hàng để xuất khẩu nên dịch vụ giao nhận, vận chuyển mặt hàng này cũng ổn định hơn so với các ngành hàng như máy móc, thiết bị...

Không ban hành các phụ phí

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, VLA đã kiến nghị lên Chính phủ một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics. Đầu tiên là kiến nghị về giãn nợ, nộp thuế đã được Chính phủ bước đầu tháo gỡ thông qua Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra các kiến nghị về giảm giá xăng, dầu cũng đã phát huy hiệu quả rất tích cực đối với các doanh nghiệp logistics nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Mới đây nhất, Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết định giảm 10% giá dịch vụ hoa tiêu cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian thực hiện giảm giá trong 3 tháng kể từ ngày 1/5/2020. Đây thực sự là một tin vui lớn đối với doanh nghiệp logistics trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Để sẵn sàng cho sự hồi phục, phát triển của hoạt động ngoại thương và ngành logistics thời kỳ hậu dịch, VLA đang chủ động xây dựng kế hoạch hành động của ngành cung cấp dịch vụ logistics, tập trung vào ba vấn đề chính là nguồn tài chính cho kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động cung cấp dịch vụ và ổn định đời sống của người lao động.

Để tạo nền tảng cho sự hồi phục của doanh nghiệp, VLA mong muốn Chính phủ chỉ thị cho các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, giảm phí cảng biển, cảng hàng không xuống còn 50%, hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển; giảm 20- 30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm; giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần có những biện pháp kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài, không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh chấm dứt. Kiểm soát chặt chẽ các cảng, không tăng chi phí nâng-hạ container, bốc xếp, lưu kho để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. 

Bên cạnh sự trợ lực từ phía các cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng nên chú trọng cắt giảm chi tiêu hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế, tìm các thị trường mới, hạn chế hoặc không phụ thuộc nhiều vào thị trường, khách hàng truyền thống.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng triệt để cơ hội  từ Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). “Bởi vì Hiệp định này sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường cũng như ngành logistics Việt Nam”, ông Hiệp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[NGÀNH LOGISTICS VƯỢT “BÃO” COVID-19] Cần trợ lực để phục hồi “hậu dịch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO